Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 lập kỷ lục mới

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua những khó khăn của dịch Covid-19, hoạt động xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.

Điểm sáng của nền kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương ngày 9/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt là tác động nghiêm trọng, chưa từng có của đại dịch Covid-19.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Cùng với cả nước, ngành Công thương đã tích cực, chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ DN trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm lưu thông, cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu, đẩy mạnh xuất nhập khẩu và đạt được những kết quả quan trọng, tích cực. Trong đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng và duy trì mức tăng trưởng gần 5%, cao hơn cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, tiếp tục khẳng định vai trò động lực cho tăng trưởng của toàn ngành, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

“Đặc biệt, hoạt động xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm trước, trở thành điểm sáng của nền kinh tế và đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; trong đó xuất khẩu có sự bứt phá ngoạn mục, tăng trên 19% (vượt 15% so với kế hoạch đề ra), duy trì xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với mức thặng dư trên 4 tỷ USD” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2021, công tác cung cầu hàng hóa được bảo đảm, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước cơ bản được giữ vững, cung ứng đầy đủ, kịp thời các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân với giá cả tương đối ổn định. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng chục triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân với giá cả hợp lý trong hoàn cảnh giãn cách xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị

Đáng chú ý trong năm 2021, thương mại điện tử phát triển mạnh trở thành động lực tăng trưởng mới, góp phần quan trọng trong việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu. Công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý thị trường và phòng vệ thương mại được quan tâm, triển khai thực hiện toàn diện, hiệu quả, góp phần bảo vệ, hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh và bảo vệ quyền, lợi ích của quốc gia, dân tộc trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.  

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công thương cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cho ngành cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị và đổi mới, sáng tạo để có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

8 giải pháp chiến lược năm 2022

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022, ngành Công thương phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 -8%; Tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6 - 8% và cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2021. Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống dự kiến khoảng 275,51 tỷ kWh, tăng 7,88% so với năm 2021; Điện thương phẩm toàn hệ thống năm 2022 dự kiến khoảng 245,8 ÷ 250,4 tỷ kWh, tăng 7,1 -9,1%.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những yếu tố bất lợi, đặc biệt là đại dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường… Bộ Công Thương xác định tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác, bứt phá vươn lên bằng 8 giải pháp. 

Một là, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Hai là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thể chế các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, các quy định đang cản trở quá trình thực hiện; Ba là, khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động và tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Chương trình tổng thể phòng, chống đại dịch Covid-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.

Bốn là, cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt và năng lực tự chủ của nền kinh tế đất nước. 

Năm là, chủ động tham mưu tổng kết việc thực hiện các mục tiêu về CNH, HĐH; đánh giá, làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó có chủ trương, chính sách phù hợp nhằm kết nối chặt chẽ giữa các DN FDI với doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt và năng lực tự chủ của nền kinh tế.

Sáu là, tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa và chú trọng quản lý nhập khẩu.

Bảy là, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường gần 100 triệu dân với sự gia tăng cao của tầng lớp trung lưu. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế...

Tám là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. 

“Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành Công thương không chỉ trong năm mới, mà còn trong cả nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo. Từ các hoạt động thực tiễn và kết quả công tác ở mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được, các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ; đồng thời, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện, giúp ngành Công thương hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.