70 năm giải phóng Thủ đô

Kim Nhũ với “Khúc ru lại về”

Nhà văn Trần Thị Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thân với Kim Nhũ từ ngày là cộng tác viên của báo Nông Thôn Ngày nay cách đây hơn hai chục năm, nơi chị là Phó cho Tổng biên tập Võ Mai Nhung. Cặp đôi Tổng - Phó này hơi hiếm trong làng báo chí vốn phức tạp, họ vượt lên sự phức tạp ấy, trọng nhau về tài, quý nhau về tình, thân nhau vì hợp chuyện, hợp cả xu hướng thẩm mỹ chung của tờ báo và thẩm mỹ riêng của từng cá nhân. Quan sát họ sống với nhau mười mấy tiếng một ngày, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm nhiều khi thèm phát ghen.

Tác giả Kim Nhũ (trái) và nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tại lễ ra mắt tập thơ ''Khúc ru lại về''.

Ngoài khả năng làm báo bộ đôi nhà báo Mai Nhung và Kim Nhũ cũng làm thơ (thơ Mai Nhung chưa xuất bản thành tập nhưng tôi cũng đã đọc). Rồi bây giờ, thấy hơn 50 bài thơ trong tập “Khúc ru lại về” của Kim Nhũ, thực là nể quá.
Người ta vẫn nói thơ là tiếng thở dài của đêm, là những thổn thức của mất mát, hoặc của nỗi thất vọng về người yêu, nhưng thơ Kim Nhũ, ngược lại, xuất phát từ tiếng reo của hạnh phúc, của những xúc động dạt dào.
Tôi hơn Kim Nhũ mấy tuổi, chơi thân với Mai Nhung, cậy vào hai điều đó vậy mà khi gặp Kim Nhũ lần đầu, những thứ ấy biến mất ngay lập tức. Gương mặt rất khả ái, đôn hậu, tính tình đằm thắm dịu dàng, Kim Nhũ chiếm trọn tình cảm của tôi ngay giờ phút ấy.
Kim Nhũ từng là học sinh, sinh viên, cô giáo giỏi văn, dạy văn rồi làm biên tập báo, thêm cả việc giúp Tổng biên tập quản trị tòa soạn… nên bận bịu suốt ngày. Chị hoàn thành xuất sắc việc chính cũng đáng nể rồi. Ai dè, tâm huyết văn thơ vẫn âm thầm thôi thúc chị. Nhiều bài thơ đã ra đời trong cái bận bịu ấy và đã xuất hiện in chung với nhiều bạn thơ khác. Cũng như những truyện ngắn “Dốc cây gạo”, “Hành trình trở về”, “Lời thú tội trước lúc lâm chung”…
Bìa tập thơ ''Khúc ru lại về'' - Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2019
Thơ Kim Nhũ mộc mạc chân thành không câu nệ, cầu kỳ, làm dáng chữ nghĩa. Thơ là tiếng lòng của chị đối với mẹ cha, bạn bè, chồng con và thiên nhiên tươi sáng:
Thơ về mẹ:
“…Mỗi khi về ta lại ghé giàn trầu/ Hơi thở mẹ như còn trong tán lá…”
Về chị (Mai Nhung):
“… Gió mùa chị có lạnh không/ Nhớ mang áo ấm, khăn bông nhớ quàng…”.
Về bạn:
“…Anh ơi anh có nhớ/ Con đường nào ta đi…”
Về chồng:
“… Quà cưới mình chiếc giường gãy một nan/ Chăn màn cũ… chẳng kiệu hoa trang sức/ Trong gian khó ta kiếm tìm hạnh phúc/ Để một ngày cất chung một lời ca…”
Còn nhiều bài viết cho con, cho cháu nội ngoại, cho những người chỉ là một gương mặt bất chợt ở đời...
Thơ của Kim Nhũ hay ở giản dị, chân thành, mộc mạc nhưng diễn đạt chính xác những cảm xúc có thực và tươi xanh của tâm hồn. Thơ chị dễ nhớ, để lại ấn tượng rất lâu, như: “…Chợt nghe xao xác giêng hai/ Hoa sưa rụng khẽ như ai nói thầm.”, hay: “Hoa sữa thương lai rụng trắng đường/ Phố đêm cởi áo… tắm mùi hương/ Thân cò lặn lội trên đường vắng/ Rùng mình trăng lạnh đẫm hơi sương”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, tác giả Kim Nhũ và nhà văn Trần Thị Trường tại buổi ra mắt sách.

Tập thơ “Khúc ru lại về” của Kim Nhũ được NXB Hội Nhà văn xuất bản, ra mắt ngày 3/3/2019 tại Nhà sách Cá chép với sự có mặt đông đảo của bạn thơ văn, đồng nghiệp báo chí, bạn bè thời phổ thông, thời đi dạy học, bạn bè quê nhà Hưng Yên và gia đình… Đặc biệt có nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang, người không chỉ yêu thơ Kim Nhũ mà thấy ở đó những thi ảnh đẹp, một chất liệu đầy tính thẩm mỹ cho âm nhạc của anh. Anh đã phổ nhạc một số bài thơ của Kim Nhũ, từ Vũng Tàu bay ra, mang theo đàn, và đã cùng Kim Nhũ, em gái Kim Nhũ hát những bài hát đó…
Hy vọng Kim Nhũ sẽ tiếp tục có thơ, có truyện ngắn, góp mặt sinh động vào đời sống văn học của chúng ta.