Kinh doanh bằng cái tâm trong sáng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hẹn đi hẹn lại mấy bận, cuối cùng tôi cũng có dịp gặp, trò chuyện với doanh nhân Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh chuyên sản xuất đồ gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng vào ngày cuối năm.

Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại. Có cảm giác như không lúc nào nữ giám đốc này ngưng tay và đó cũng là minh chứng cho việc phải sau rất nhiều lần đặt lịch, tôi mới gặp được bà. 
Với những thành tích đạt được, bà Hà Thị Vinh đã dược tặng Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2006; Bông hồng vàng Việt Nam năm 2010; Doanh nhân tiêu biểu khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2011, một trong 10 Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2012 và nhiều Bằng khen của T.Ư, TP...

Nhìn lại những gì đã làm khi đã bước sang cái tuổi ngoài 60, bà Hà Thị Vinh có nhiều lý do để hài lòng. Vốn sinh ra và lớn lên trong dòng họ có 16 đời làm nghề gốm ở Bát Tràng nên bà thấu hiểu triết lý ăn sâu hàng trăm năm của làng nghề quê hương là việc phát triển nghề gốm không chỉ giải quyết các vấn đề kinh tế, việc làm và an sinh xã hội mà sâu xa là bảo tồn văn hóa dân tộc.

Đừng nghĩ đến khó khăn mà nản

Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi kinh tế thị trường mới còn khá mới mẻ với nhiều người, kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, cộng với chủ trương giảm biên chế theo Nghị định 176, bà đã xin nghỉ việc ở một đơn vị Nhà nước vốn gắn bó nhiều năm để về làm kinh tế và có điều kiện chăm sóc gia đình với tâm niệm, ở đâu cũng là cống hiến. Từ ý tưởng này, Tổ hợp gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Mỹ Hạnh được ra đời năm 1989 gồm 6 thành viên là những người thân trong gia đình và mọi người ai cũng hiểu rằng đã bước chân vào kinh doanh là muôn vàn khó khăn vì thấm nhuần triết lý "Vạn sự khởi đầu nan", không phải công việc gì cũng thành công ngay từ khi bắt đầu, đặc biệt là kinh doanh.

Bà Vinh tâm sự: Lúc đầu, người bà cùng các thành viên loay hoay tìm hướng đi cho tổ hợp. Lúc đó, để có vốn rất khó khăn, tìm đến ngân hàng làm thủ tục vay rất rườm rà, bà đành phải quay về gõ cửa 2 đơn vị là Công ty Ánh Hồng chuyên sản xuất vật liệu đất và Xí nghiệp X51 Bộ Quốc phòng đề nghị bán chịu than để lấy đó làm vốn, khi có sản phẩm bán ra thị trường quay vòng trả lại gốc. Vốn nhỏ, nên vừa nhận việc gia công rồi phân cho các hộ dân trong làng cùng làm, bà từng bước xây dựng mối quan hệ với bạn hàng. Bằng sự quyết tâm, chịu khó, một hợp đồng trị giá 20.000USD đến với bà khi mang mẫu mã vào TP Hồ Chí Minh chào hàng với đối tác nước ngoài là một DN Italia. Bản hợp đồng lớn khá lớn được ký kết là sản phẩm mầu bằng gốm gồm 500 biểu tượng quả bóng và hàng ngàn gạt tàn thuốc lá hình chiếc giày cho Thế Vận hội Italia 90. Có được hợp đồng đầu tiên, trong vòng 3 tháng bà cùng các thành viên bắt tay vào làm để kịp tiến độ giao hàng. Kết quả đã thành công ngoài sự mong đợi. Đến năm 1993, Tổ hợp gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Mỹ Hạnh nâng lên thành Công ty TNHH Quang Vinh, với khuôn viên sản xuất khoảng 3.300m2...

Năm 1997, trước việc suy thoái của nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, do thị trường bán lẻ không tốt nên việc xuất khẩu vào Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) gặp nhiều khó khăn nhưng trên tinh thần "xòe tay ra mình sống, nắm lại mình chết" nên với vai trò là giám đốc bà đã linh hoạt vận dụng để phù hợp với thực tế... Một câu chuyện đến giờ bà vẫn cho là táo bạo và quyết đoán đúng. Thời gian đó, những nhà bán lẻ nước ngoài đã bỏ qua những đầu mối trung gian là các công ty để trực tiếp gặp các hộ cá thể đặt hàng. Điều này khiến Quang Vinh phải chịu áp lực khá lớn, thậm chí có nguy cơ phá sản khi tiềm ẩn rất nhiều bất ổn về giá, nợ tiền, hàng tồn kho... Đứng trước khó khăn đó, bà đã triệu tập cổ đông và gửi thư yêu cầu đóng và niêm phong những sản phẩm đã chuẩn bị gửi đi, mời các đối tác sang đàm phán lại hợp đồng. Song song với đó, một hội nghị gồm các tiểu thương tại Bát Tràng cũng được tổ chức để đánh giá lại sản phẩm và đề ra yêu cầu không bán phá giá. Công ty cũng mạnh dạn cam kết sẽ mua lại tất cả các sản phẩm theo hình thức trả tiền ngay để chờ đến khi nào có tín hiệu khả quan sẽ sản xuất trở lại, không để các đối tác nước ngoài dìm hàng, và tạo tiền lệ xấu trong sản xuất, kinh doanh... Đấy là chiến lược trong kinh doanh khiến các nhà bán lẻ nước ngoài khan hàng và công ty bán được hàng với giá cao, không bị phá giá.

Luôn nỗ lực vươn lên

Bà Hà Thị Vinh cho rằng, kinh nghiệm trong thương trường sẽ tăng dần theo thời gian, nhưng nếu bằng lòng với những gì mình đã có, nghĩa là ta đang dừng lại. Thỏa mãn chính là kẻ thù trong kinh doanh. Chính vì vậy, Quang Vinh luôn đặt ra 3 thách thức để vượt qua: Thứ nhất, sản phẩm gốm sứ hiện đại muốn cạnh tranh, muốn phát triển trước tiên phải đổi mới công nghệ. Thứ hai, sáng tạo ra những đề tài nghiên cứu khoa học, những dòng sản phẩm mới. Thứ ba, hợp lý hóa trong sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu vào.

Năm 2000, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do các sản phẩm gốm sứ có công nghệ sản xuất cao từ Trung Quốc, Nhật Bản... khiến các DN Bát Tràng nói chung và Quang Vinh nói riêng phải đối mặt với tình thế khó khăn. Để thoát khỏi bế tắc này, bà Hà Thị Vinh đã quyết định thay thế công nghệ và thiết bị lò nung, từ lò than củi sang đốt bằng công nghệ cao đưa nhiên liệu khí gas vào sản xuất gốm sứ truyền thống. Đồng thời, năm 2001, bà tiếp tục mở Nhà máy thứ hai ở Đông Triều (Quảng Ninh) với dây chuyền máy móc sản xuất gốm sứ hiện đại của Đức để phục vụ sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. "Nếu như trước kia, Quang Vinh chuyên sản xuất các sản phẩm gốm sứ xuất khẩu theo công nghệ truyền thống của gốm sứ Bát Tràng thì ở Nhà máy Đông Triều, Công ty đã ứng dụng thành công công nghệ gốm mỏng vào sản xuất (đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật nông nghiệp nông thôn năm 2012) -  bà Hà Thị Vinh chia sẻ.

Với việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, Quang Vinh đã mở đường cho sự ra đời của các sản phẩm gốm sứ có tính thẩm mỹ cao, số lượng lớn, mẫu mã, kiểu dáng phong phú, đạt tiêu chuẩn quốc tế, góp phần giải quyết việc làm cho gần 400 lao động. Điều dễ nhận thấy ở các sản phẩm gốm sứ của Công ty chính là sự kết hợp tinh tế giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại. Hiện trên 80% sản phẩm của Công ty được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, kể cả các thị trường khó tính nhất như Đức, Mỹ, Nhật, Đan Mạch...

Theo tiết lộ của nữ doanh nhân này, hiện tại, với các sản phẩm chất lượng cao, Công ty đã có đối tác đặt hàng đến tháng 5/2015. Bên cạnh đó, Quang Vinh sẽ tiếp tục hướng vào thị trường nội địa với dòng hàng gia dụng hướng tới các gia đình Việt. Đây sẽ là các sản phẩm chuyên biệt phù hợp với tâm lý và thẩm mỹ của người Việt Nam nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Trước khi chia tay tôi hỏi về cái tâm, cái tầm của một doanh nhân, bà Hà Thị Vinh cho rằng, cái tâm và tầm rất đơn giản là đảm bảo đời sống cho gần 400 cán bộ công nhân viên với mức thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng cũng như tạo điều kiện để người lao động phát triển. Hiện tại, Công ty đã xây dựng được quỹ hỗ trợ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn và quỹ khuyến học nhằm khuyến khích, động viên cho con cán bộ công nhân viên có thành tích học giỏi. Bà Vinh nhấn mạnh, dù thành công đến đâu thì doanh nhân luôn phải kinh doanh bằng cái tâm trong sáng, phải bằng sự nỗ lực của bản thân tìm hướng phát triển sản xuất, kinh doanh cho riêng mình.         

 
Tính từ năm 2012 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Quang Vinh đạt trên dưới 2 triệu USD/năm và trong năm 2014, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng hàng tháng Công ty làm thủ tục hải quan từ 5 - 7 tờ khai xuất hàng đi các nước Đức, Đan Mạch, Úc, Tây Ban Nha, Nhật Bản... với trị giá hàng hóa đạt gần 20.000 USD/tờ khai.
  

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần