Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Quy định chặt để tránh biến tướng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ ngay từ luật hay không, vấn đề này tiếp tục có quan điểm khác nhau giữa khi Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tiếp tục được đưa ra thảo luận, hoàn thiện.

Thực tế đã có những tác động tiêu cực
Cấm hay không cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hiện vẫn còn hai quan điểm khác nhau. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường, mà cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại tán thành cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua tình trạng biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi…
Theo thống kê đến tháng 2/2020, có 217 DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ đăng ký tại 29 tỉnh, TP, trong đó tập trung tại TP Hồ Chí Minh (84 DN) và Hà Nội (62 DN). Khi tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), cơ quan soạn thảo nêu rõ, việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ này là cần thiết. Bởi quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự, Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên.
 Hoạt động tín dụng đen, đòi nợ ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh: Chiến Công
Cùng với đó, thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều DN, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm, nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội. Đồng thời, đóng góp của ngành, nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội cũng như nguồn lực Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục và trấn áp, xử lý hậu quả tội phạm.
Dự Luật đề xuất quan điểm cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền, lợi ích của các DN, tại Dự Luật quy định chuyển tiếp đối với các giao dịch, thỏa thuận cung cấp dịch vụ đòi nợ thực hiện trước ngày Luật có hiệu lực thi hành. Theo đó, các giao dịch này sẽ chấm dứt kể từ ngày Luật có hiệu lực; các bên tham gia giao dịch thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.
Nhu cầu thực tế
Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau trước vấn đề này. Một số ý kiến tán thành với đề xuất cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và những lý do được cơ quan soạn thảo đưa ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhận thấy, cần tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, mà quy định vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành. Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý Nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, đây là ngành, nghề hình thành từ nhu cầu thực tiễn, nên dù có cấm ngành, nghề kinh doanh đòi nợ cũng chưa chắc đã hạn chế được các hành vi đòi nợ biến tướng của các băng nhóm cho vay nặng lãi. Thậm chí có khi tình trạng mất an ninh trật tự còn tăng lên vì khi cấm các đơn vị cho vay sẽ hạn chế cho vay để bảo toàn vốn và có khả năng đẩy người vay tiếp cận với các nguồn cho vay nặng lãi nhiều hơn.
Trước thực tế không ít trường hợp lợi dụng, biến tướng, nhưng có ý kiến cho rằng, nguyên nhân là chưa thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình này, chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh. Báo cáo tổng kết thực hiện Luật Đầu tư hiện hành cũng nêu hạn chế, đó là một số điều kiện đầu tư kinh doanh chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Do đó, việc có cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ hay không cần có sự đánh giá tác động từ nhu cầu của xã hội và tính khả thi của quy định Luật, tránh tình trạng “không quản được thì cấm”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần