Phải theo cơ chế thị trường
Trả lời các kiến nghị của cử tri về hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng, hiện nay xăng, dầu thành phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (khoảng 70%), 30% còn lại là từ nguồn trong nước. Vì vậy, khi giá thế giới biến động, giá bán lẻ trong nước chịu ảnh hưởng theo. Người đứng đầu ngành tài chính bổ sung thêm, giá xăng dầu trong nước được tính trên cơ sở xăng dầu thành phẩm của thế giới chứ không phải theo giá dầu thô. Vì thế, khi giá dầu thô thế giới giảm, nhiều người đặt câu hỏi tại sao giá trong nước không giảm mà chưa tính tới giá xăng dầu thành phẩm có xuống không. Tuy vậy, ông Huệ cũng thừa nhận chu kỳ tính điều chỉnh giá 30 ngày như hiện nay cản trở việc điều chỉnh giá bán lẻ trong nước vì nó không còn phù hợp với diễn biến giá thế giới (chu kỳ biến động giá xăng dầu thế giới từ 7 - 10 ngày), do đó, tới đây Bộ Tài chính sẽ xem xét đề xuất chu kỳ điều chỉnh tăng giảm khoảng 10 ngày để làm căn cứ tính toán giá xăng dầu trước khi điều chỉnh.
Với ngành điện cũng vậy, cũng nên xem xét lại cho phù hợp, nếu giá không phù hợp khó thu hút được vốn đầu tư và như vậy căng thẳng về điện vẫn tiếp diễn. Giá cả không thể tiếp tục bao cấp.
Về kế hoạch điều chỉnh giá điện trong năm 2012, theo chỉ đạo của Chính phủ, liên Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã ngồi với nhau để tính toán và đã thống nhất giá điện lần điều chỉnh tới trong năm 2012 sẽ là giá của 2011 cộng thêm các chi phí, cơ sở biến động tỷ giá theo ngày 15/9/2011 và không tính phần lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giữ nguyên giá tiêu thụ than cho điện. Như vậy, mức giá điện trong năm tới dự kiến sẽ tăng 4,6% so với mức giá điện hiện nay. Trong đó đã tính hết tất cả chi phí EVN được giảm trừ.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định, lỗ ngoài ngành tuyệt nhiên sẽ không được tính vào giá thành của điện. Trong giá điện chỉ phân bổ 1/3 cho phần chênh lệch tỷ giá (tương ứng 500 tỷ đồng) và 1/4 phần lỗ trong kinh doanh điện của EVN hiện tại (tương ứng 200 tỷ đồng).
Như vậy là, giá điện vẫn tăng nhưng ở mức kiềm chế. Toàn bộ tiền điện cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp vẫn giữ như mức hiện nay và mức hỗ trợ 30.000 đồng/hộ vẫn giữ mức hiện tại.
Tiết giảm chi phí
Liên quan đến câu hỏi doanh nghiệp xăng dầu đang lỗ hay lãi và có hay không hiện tượng làm giá giữa một nhóm nhỏ doanh nghiệp độc quyền. Dẫn báo cáo kết quả kiểm toán trong 3 năm liền, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: Năm 2008 Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã lãi 913,7 tỷ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu 642 tỷ đồng. Năm 2009, lãi 3.217 tỷ đồng, trong đó kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỷ đồng, còn lại là lãi từ các đầu tư khác. Năm 2010, tuy xăng dầu lỗ 172 tỷ đồng, nhưng các lĩnh vực khác lại lãi hơn 486 tỷ đồng nên doanh nghiệp này vẫn lãi 314 tỷ đồng. "Cho nên tính tổng lại thì xăng dầu vẫn lãi, và trong 3 năm thì Petrolimex đều có lãi cả", Bộ trưởng Vương Đình Huệ khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, nếu không có biến động về tỷ giá đầu năm 2011 và các đầu mối xăng dầu chấp hành đúng các định mức về bán hàng (chi định mức hoa hồng cho các đại lý chỉ 600 đồng/lít) thì không thể có chuyện lỗ trong kinh doanh xăng dầu. Quan điểm của ông Huệ, theo Luật Cạnh tranh, một DN nào chiếm 30% thì gọi là thống lĩnh thị trường, do đó, về lâu dài nên cơ cấu để các đơn vị khác kinh doanh cùng ngành mạnh lên.
Với EVN, ông Huệ cho hay với mức lương 7,3 triệu đồng nhưng phải phù hợp với công việc và sức lao động, như phản ánh của nhiều đại biểu thì lương cao mà lỗ nặng là không đồng tình. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng thông báo, kế hoạch lỗ năm 2011 của EVN vẫn còn lớn, riêng lỗ kinh doanh điện trên 11.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có nhiều thuận lợi hơn do nước về thủy điện nhiều nên đến hết 9 tháng đầu năm nay, lỗ thực là 680 tỷ đồng. Bên cạnh đó, EVN có thể tiết giảm được 460 tỷ đồng liên quan đến vật tư và sửa chữa nhà máy.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Tôi là Bộ trưởng, là ĐBQH, cũng là cử tri, nên tôi cũng đã nói với lãnh đạo EVN rằng, các đồng chí nghĩ sao nếu hàng năm chúng ta tiết kiệm 10% để dành số tiền đó cho an sinh xã hội. Cả nước chia sẻ với điện lực thì điện lực cũng cần chia sẻ với đất nước. Chúng tôi đang chờ câu trả lời tiết giảm chi phí từ EVN và các tập đoàn nhà nước khác.
Về nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định vẫn ở mức an toàn vì 79% vay ODA, chỉ có 7% vay thương mại, ODA vay 40 năm và ân hạn 10 năm và lãi suất là 0,7%, những khoản vay khác từ World bank và Nhật Bản cũng có mức ưu đãi. Ba giải pháp Bộ Tài chính đưa ra: Một là phải có kịch bản giảm bội chi đúng mức; Hai là tăng cường năng lực quản lý nợ công (nhất là phân tích, dự báo); Ba là tăng cường quản lý rủi ro, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Trong thời điểm hiện nay thì Chính phủ và Bộ Tài chính đều rất quan tâm với nợ công, nhất là những khoản mà Chính phủ bảo lãnh. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng đề án xếp hạng tín nhiệm quốc gia để trình Chính phủ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay tiền thuận lợi hơn. |