Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh karaoke ế ẩm

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 10 phòng hát nhưng gần 2 tuần nay, mỗi ngày chỉ 1 - 2 phòng hoạt động vài giờ. Nhân viên túm 5 tụm 3 xem phim, lướt mạng cho hết ngày. Đó là tình trạng chung đang diễn ra ở rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn Hà Nội. Trong khi đó, thời điểm trước và sau Tết thường là mùa bội thu của loại hình dịch vụ giải trí này.

 Một cơ sở kinh doanh karaoke vắng khách tại Hà Nội. Ảnh: Minh An 

Phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh karaoke. Như thường lệ vào dịp đầu năm, những cơ sở này thường tấp nập khách đến hát karaoke. Tuy nhiên, từ Tết Canh Tý trở lại đây, nhiều cơ sở karaoke đều đang chịu lỗ vì quán không có khách, nhân viên thì “ngồi chơi xơi nước”. Trao đổi với phóng viên, anh Minh Đức – chủ cơ sở karaoke Thanh Long KTV cho biết: “Những năm trước, vào dịp cuối năm hoặc đầu năm mới, hoạt động kinh doanh của cơ sở thường sôi động bởi người dân thường đi chơi Tất niên, Tân niên hoặc đi chơi lễ hội xong về hát. Nhưng từ ra Tết đến nay, lượng khách đến hát giảm mạnh. Có những ngày, chúng tôi chỉ có 1 – 2 phòng hoạt động, còn lại hầu như để trống, lượng khách giảm từ 80 – 90%”.
Tại buổi kiểm tra, tuyên truyền công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh karaoke trong hai ngày 10 - 11/2, Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội đề nghị chủ các cơ sở phải gắn các biển quy trình rửa tay, vệ sinh phòng chống dịch bệnh tại tất cả các tầng; khẩn trương mua khẩu trang, nước rửa tay… cho nhân viên và khách hàng. Thời gian tới, Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội sẽ tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh karaoke về công tác phòng, chống dịch nCoV.
Tại cơ sở karaoke Grand (300 Xã Đàn, quận Đống Đa), bên ngoài nhiều phương tiện dừng đỗ; ở bên trong tiếng nhạc vang lên khắp dãy hành lang nhưng đại diện cơ sở kinh doanh này cho biết: “Chỉ là bật nhạc lên cho vui chưa thực ra không có ai hát. Cả tuần nay, chúng tôi chưa có một phòng nào hoạt động. Còn xe để bên ngoài đều là của chủ nhà và nhân viên quán. Doanh thu những ngày này giảm từ 50 - 60% so với cùng kỳ năm trước. Chúng tôi chỉ dám hoạt động cầm chừng vì khách đến rất nhỏ giọt” – chủ cửa hàng Grand chia sẻ. Thực tế, tình trạng các cơ sở kinh doanh karaoke vắng vẻ là do tâm lý của khách hàng e ngại dịch viêm đường hô hấp nCoV và việc kiểm tra nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Nắm bắt tâm lý nhiều người e ngại đi hát karaoke do dịch nCoV, không ít chủ cơ sở kinh doanh đã trang bị nước rửa tay cho khách. Bên trong các phòng hát, micro cũng được bọc kỹ để phòng tránh dịch. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Khánh Hòa – quản lý một cửa hàng karaoke: “Chúng tôi đã mua cồn, nước rửa tay cho khách nhưng quán vẫn vắng. Do vậy, từ Tết đến giờ, quán đã phải cho một số nhân viên nghỉ để cắt giảm chi tiêu. Mỗi tháng, chúng tôi phải chịu cả trăm triệu đồng tiền thuê nhà mà không có khách thì mở cửa mãi sao được”.
Cũng theo anh Hòa, cơ sở đã cố gắng tìm mọi cách để thu hút khách hàng như chương trình giảm giá giờ hát, giảm giá combo đồ uống, hoa quả nhưng vẫn không có khách. “Bây giờ chỉ có cách duy nhất là mong hết dịch, khách yên tâm đến nơi đông người thì cơ sở kinh doanh mới hoạt động được trở lại bình thường. Giải pháp tạm thời là yêu cầu nhân viên hạn chế sử dụng điện, nước để tiết kiệm chi phí” – anh Hòa chia sẻ.