Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh doanh khách sạn ế ẩm

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trước Tết Nguyên đán Tân Sửu khiến lượng khách du lịch đến Việt Nam giảm sút, hàng loạt khách sạn trên địa bàn Hà Nội một lần nữa rơi vào tình trạng ế ẩm, đồng loạt giảm giá.

Khách sạn giảm giá 60%
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị trên một số trang chuyên đặt phòng khách sạn theo hình thức online như Booking.com, Agoda.com cho thấy, giá thuê phòng đã giảm ít nhất 60% so với đợt giảm giá tháng 7/2020 khi Đà Nẵng có ổ dịch Covid-19.

Cụ thể, tháng 7/2020, trang Booking.com báo giá thuê phòng cho khách nghỉ 1 đêm là 7 triệu đồng, nhưng hiện giảm xuống còn 2,2 triệu đồng bao gồm cả suất ăn sáng. Tương tự, khách sạn Rising Dragon Palace Hotel giảm từ 5 triệu đồng (tháng 7/2020) xuống còn 2 triệu đồng/đêm thời điểm này; khách sạn Imperial Hotel & Spa từ 6,2 triệu đồng xuống còn 2,7 triệu đồng/đêm. Đặc biệt, một số khách sạn 4 - 5 sao còn giảm giá khủng như khách sạn 5 sao Periot Grand Hotel & Spa by Aira (số 33 Đường Thành) còn gần 1,6 triệu đồng/phòng (giá gốc hơn 9,4 triệu đồng); khách sạn Hanoi Lullaby Hotel giá từ 6,2 triệu đồng giảm xuống còn hơn 2 triệu đồng/đêm; khách sạn Melia Hà Nội có giá 2,3 triệu đồng/đêm, giảm tới 44%; khách sạn Movenpick Hà Nội giảm 67% còn 1,3 triệu đồng/đêm...
Trang Agoda.com cũng báo giá rất "mềm" cho khách nghỉ 1 đêm ở những khách sạn trong khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm. Chẳng hạn, khách sạn 4 sao+++ La Siesta Premium (27 Hàng Bè) có giá 550.000 đồng/đêm (dù tháng 7/2020 giá đã giảm xuống còn 2,9 triệu đồng/đêm); khách sạn 4 sao Quoc Hoa Premier Hotel and Spa trên phố Bát Đàn chỉ còn 400.000 đồng/đêm.

Tổng Giám đốc chuỗi khách sạn Silk Path Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ, vào thời điểm mùa hè năm 2020, hệ thống khách sạn toàn quốc đã đồng loạt giảm giá để kích cầu du lịch. Nhưng tại thời điểm này, hầu hết các khách sạn trên địa bàn Hà Nội đã giảm giá đến 50% so với đợt giảm giữa năm 2020, thậm chí có những khách sạn như La Sinfonia del Rey Hotel and Spa (Hàng Dầu) giảm tới 72%; khách sạn Acoustic Hà Nội & Spa giảm tới 83%; khách sạn Daewoo giảm tới 82% chỉ còn 1 triệu đồng/đêm.

Lý giải nguyên nhân khiến hệ thống khách sạn trên địa bàn Hà Nội đồng loạt giảm giá, Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Việt Nam Lê Mai Khanh cho biết, tại một số tỉnh, thành như Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dịch Covid-19 bùng phát trở lại trước kỳ nghỉ Tết Tân Sửu 2021 khiến nhu cầu đi du lịch giảm mạnh. Hàng loạt tour, vé máy bay, khách sạn, nhà hàng đặt trước đó đã phải hủy. Để tiếp tục duy trì hoạt động, ngoài cắt giảm nhân sự, nhiều khách sạn buộc phải giảm giá phòng để DN lữ hành giảm giá tour, kích cầu du lịch.

Thị trường nội địa sẽ là "cứu cánh"

Các chuyên gia du lịch cho rằng, khách sạn là ngành dịch vụ đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng cũng sẽ là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất khi thị trường nội địa khởi sắc trở lại sau khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được mở rộng trên toàn quốc.

Đặc biệt, ngày 24/2 vừa qua, 117.600/30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 do AstraZeneca sản xuất đã được đưa về Việt Nam sau khi Chính phủ đặt mua để tiêm phòng cho các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Về lâu dài, người dân sẽ được tiêm vaccine ngừa Covid-19 miễn phí như chương trình tiêm chủng mở rộng. Việc này mở ra một tín hiệu tốt cho ngành du lịch nước nhà.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, hiện các khách sạn Hà Nội đang có mức giá ưu đãi chưa từng có nên nghỉ dưỡng, trải nghiệm, hưởng thụ cơ sở vật chất của khách sạn 5 sao với giá bình dân sẽ là xu hướng du lịch mới khi dịch Covid-19 được khống chế thông qua tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Nhìn nhận về sự hồi phục thị trường khách sạn trong năm 2021, Phó Tổng Giám đốc Savills Việt Nam Troy Griffiths dự báo, ở thời điểm sau khi hết dịch, các khách sạn sẽ kỳ vọng nhiều hơn vào nguồn khách nội địa, bởi nguồn khách du lịch này sẽ giúp thúc đẩy công suất thị trường tăng lên. “Nếu như trong năm 2021, Việt Nam thành công trong việc khống chế dịch, du lịch nội địa sẽ có khả năng phục hồi, kéo theo thị trường khách sạn khởi sắc” - ông Troy Griffiths nói.

Để ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh và phục hồi thị trường du lịch, trong đó có cả phân khúc khách sạn, theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch (Tổng cục Du lịch) Trần Trọng Kiên, các khách sạn cần phải có sự liên kết chặt chẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành. “Các khách sạn cần cam kết sẽ không bán sản phẩm không an toàn, kém chất lượng, đặc biệt phải đảm bảo quy định phòng dịch Covid-19. Qua đó mới có thể thu hút được khách du lịch nội địa trải nghiệm dịch vụ khách sạn 5 sao giá rẻ”– ông Trần Trọng Kiên phân tích.

Phân tích, dự báo của các chuyên gia cho thấy, trong năm 2021, thị trường nội địa được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi ngành du lịch, qua đó giúp hệ thống khách sạn dần hồi phục và khởi sắc.

"Hiện các khách sạn, cơ sở lưu trú Hà Nội đang giới thiệu mức giá thuê phòng khá thấp, phù hợp với mọi nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân. Tuy nhiên, để việc nghỉ dưỡng tại chỗ trở thành một xu hướng lâu dài, các khách sạn cần đẩy mạnh hợp tác liên kết với DN du lịch lữ hành tổ chức thêm nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, qua đó thu hút và tăng nhu cầu lưu trú qua đêm của người dân và du khách." - Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng