Đây là chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo “Cùng hành động thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam”, sáng 22/12.
Tạo môi trường kinh doanh công bằng
Kinh doanh liêm chính được xem là nền tảng tương tác giữa các DN và là giấy phép thông hành tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư chân chính, đồng thời góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, các hiệp định thương mại được tham gia ký kết đều đặt ra những điều khoản liên quan thực hành sản xuất, kinh doanh bền vững cho DN muốn thâm nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã xây dựng riêng Chương 13 về Thương mại và phát triển bền vững. Như vậy, phát triển bền vững không còn là một sự lựa chọn giữa “có” và “không”, mà đã trở thành sự sống còn, là cách duy nhất để DN có thể tồn tại và phát triển trong hiện tại và tương lai.
Kết quả điều tra Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, các hoạt động phòng chống tham nhũng ở Việt Nam trong những năm gần đây đã đem lại những kết quả tích cực. Cụ thể, tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức nói chung trong điều tra PCI 2021 giảm xuống mức 41,4%, so với mức 44,9% của năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%). Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể theo thời gian, khi mà tỷ lệ DN dành hơn 10% doanh thu để chi trả loại chi phí này chỉ khoảng 4,1%, thấp hơn gấp đôi so với năm 2016 (9,1%).
Tuy nhiên, không gian cải thiện vẫn còn rất nhiều. Ví dụ, tỷ lệ DN cho biết “hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến” là 57,4% trong năm 2021, cao hơn con số 54,1% của năm 2019 - 2020.
Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Văn phòng DN vì sự phát triển bền vững, VCCI Nguyễn Tiến Huy nêu quan điểm, tham nhũng là vấn đề có tác động toàn cầu, nên cần có cách tiếp cận toàn cầu trong phòng chống tham nhũng. Chỉ khi kiến tạo được một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, liêm chính, chúng ta mới có thể huy động và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của khối DN tư nhân, tránh thất thoát lãng phí. Từ đó DN có thể đặt niềm tin và tập trung nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh, đầu tư dài hạn, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững của địa phương và quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
Đánh giá về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, Tham tán chính trị và phát triển, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội Ruth Turner cho biết, Việt Nam đã có những nỗ lực mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng kể từ năm 2009, khi Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang cải thiện điểm số về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Chỉ số Pháp quyền của Dự án Tư pháp Thế giới. Đối với CPI của TI, Việt Nam được xếp hạng 113 toàn cầu với số điểm 33 vào năm 2017. Năm 2021, thứ hạng tăng 26 bậc lên vị trí 87 với số điểm 39. Đây cũng là một trong số ít các quốc gia mà chính phủ làm việc với DN để cải thiện các tiêu chuẩn với kết quả rõ ràng.
Cần sự chung tay
Ông Nguyễn Tiến Huy cho biết, thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020 và thực hiện Kế hoạch thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện, tập hợp cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam, VCCI đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm phát huy vai trò của DN, hiệp hội DN trong phòng chống tham nhũng. Thông qua việc xây dựng và thực hiện văn hóa kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng; tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch; nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN; từng bước xóa bỏ tệ hối lộ trong quan hệ giữa DN và cơ quan nhà nước; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ của cán bộ, công chức…
“Để tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch hơn, ngoài sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền, thì sự chủ động, chung tay, hành động tập thể của cộng đồng DN có ý nghĩa quyết định. Hành động tập thể giúp tiết kiệm thời gian, nguồn lực, tạo ra những tác động có tính lan tỏa cao hơn, giúp thúc đẩy nhanh hơn những thay đổi mang tính hệ thống hướng tới kinh doanh liêm chính, minh bạch” – ông Huy nhận định.
Đưa ra giải pháp kinh doanh liêm chính cho DN, TS Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho biết, giải quyết vấn nạn tham nhũng trong kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị công ty tốt đòi hỏi DN cần giữ vai trò tích cực, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật, chủ động áp dụng thông lệ kinh doanh đề cao tính công bằng, liêm chính, minh bạch, trách nhiệm giải trình và phát triển bao trùm.
“Để đi nhanh, chúng ta có thể đi một mình. Nhưng để đi xa, chúng ta phải đi cùng nhau. Hãy chung tay, cùng hành động xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các DN tại Việt Nam, vì tương lai và sự phát triển bền vững của chính DN” – ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Còn theo Đại sứ quán Anh tại Hà Nội Ruth Turner, DN cần có lợi nhuận bằng cách cải thiện môi trường hoạt động và đáp ứng kỳ vọng tối thiểu của các bên liên quan. Các công ty toàn cầu khi quyết định địa điểm đầu tư sẽ xem xét tình trạng tôn trọng ở các quốc gia đối với hoạt động kinh doanh có trách nhiệm với quản trị tốt và những yếu tố quan trọng của pháp luật.
“DN không thể đơn lẻ thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh. Nó là một phần không thể thiếu trong ứng xử kinh doanh có trách nhiệm. Do đó, tính liêm chính trong kinh doanh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện. Để tính liêm chính hoạt động, môi trường, người lao động, chuỗi cung ứng, cơ quan chính phủ, người tiêu dùng, cộng đồng với tư cách là các bên liên quan phải được tôn trọng” – bà Ruth Turner nêu quan điểm.