Kinh doanh ô tô lại gây tranh cãi

Minh Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô, các hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ôtô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đó là một phần nội dung dự thảo quy định mà Bộ KH&ĐT vừa đưa ra. Ngay sau đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có ý kiến về vấn đề này.

Thêm điều kiện kinh doanh là làm khó doanh nghiệp

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản dài 16 trang gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014.

Trong văn bản này ông viết việc quy định bỏ, gộp và rút bớt 41 ngành nghề khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện là một trong những bước tiến quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua. Đồng thời, đây là chỉ dấu, bảo đảm tính minh bạch về chính sách và là “nút chặn” hiệu quả trong việc ban hành các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. “Tuy nhiên, bảo hành, bảo dưỡng ôtô là dịch vụ thường đi kèm với dịch vụ bán hàng hoặc sản xuất ôtô và trong quan hệ này trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm thuộc về nhà sản xuất là chủ yếu chứ không phải là người bảo hành, bảo dưỡng. Vì vậy, việc xem hoạt động bảo hành, bảo dưỡng ôtô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là rất bất hợp lý”, văn bản nêu rõ.

Vì lý do trên, VCCI đề nghị bỏ “Kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô” ra khỏi Danh mục Luật Đầu tư sửa đổi.

Quy định mới không khác mấy Thông tư cũ

Trong dự án luật Sửa đổi, bổ sung phụ lục 4 luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cách đây hơn một tuần, Chính phủ đề nghị bổ sung có thêm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành ô tô vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, đại diện cho cơ quan soạn thảo dự án luật, việc nhập khẩu ô tô vẫn sẽ phải theo điều kiện giống như trong Thông tư 20, tức là các DN chỉ được nhập khẩu ô tô có giấy ủy quyền chính hãng và có đầy đủ hệ thống bảo trì, bảo dưỡng xe. Mặc dù từ khi ra đời đến nay, đã có không ít tranh cãi xung quanh Thông tư 20, thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng Thông tư này khiến nhiều DN nhập khẩu ô tô phải đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh ô tô cũ nhưng theo giải thích của ông Đặng Huy Đông, đề xuất trên không nhằm hạn chế quyền kinh doanh của ai.
“Với trách nhiệm là cơ quan soạn dự thảo sửa đổi nội dung quy định này, Bộ KH&ĐT đã cân nhắc các yếu tố tác động, không chịu bất kỳ áp lực chi phối nào và luôn đặt nguyên tác lợi ích chung lên trên hết, chúng tôi khẳng định không cấm cũng như không hạn chế quyền tự do kinh doanh của mọi người. Chỉ có điều là nếu người dân kinh doanh phải tuân thủ pháp luật”– ông Đặng Huy Đông chia sẻ và cho biết rằng đề xuất đặt ra các điều kiện đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cả nền kinh tế.

Với vòng đời thông thường tới vài chục năm, để sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, nhà cung cấp sản phẩm phải đảm bảo xe được bảo hành, bảo dưỡng, thậm chí triệu hồi, khắc phục, sửa chữa lỗi (nếu có) theo đúng yêu cầu kỹ thuật của chính hãng. Các nhà phân phối, nếu mua, nhập khẩu xe từ nhiều nguồn khác nhau thì thường bỏ qua khâu bảo hành và dịch vụ sau bán hàng do không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất cả ở khía cạnh tài chính lẫn công nghệ, kỹ thuật. Hơn nữa, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng hiện nay chỉ có thể kiểm soát chất lượng ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu tại các thời điểm nhất định (khi xuất xưởng, kiểm định, đăng kiểm định kỳ). Trong khi ôtô cần phải được vận hành an toàn, đúng hướng dẫn cho toàn bộ thời gian sử dụng. “Do vậy, cần áp dụng thêm các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và quyền lợi người tiêu dùng trong toàn bộ quá trình sử dụng xe”, ông Đặng Huy Đông nói.
Thêm cơ hội cho sản xuất trong nước?

Theo thống kê hiện ngành công nghiệp ôtô đang đóng góp 2% GDP, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động, dù tỷ lệ nội địa hóa chưa cao. Bên cạnh đó, theo một số chuyên gia kinh tế, đây có thế coi là ngành công nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội gia tăng giá trị khi chuyển mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu. Tuy nhiên giải pháp đưa ra phải hài hòa giữa nguồn lực trong nước và phù họp với các quy định, thông lệ của các hiệp định cũng như quan hệ thương mại mà Việt Nam tham gia. Việc đưa sản xuất, kinh doanh ôtô vào ngành, nghề có điều kiện là nhằm đảm bảo sự tồn tại, phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, bảo vệ những đơn vị đã đầu tư và đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện, lắp ráp ôtô…

Có thể nói đây một lần nữa trao cơ hội, có thể là cuối cùng, cho ngành công nghiệp ô tô trong nước khi các hiệp định mở cửa ngành công nghiệp này đang đến gần. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi DN sản xuất trong nước vươn lên khỏi tình trạng trì trệ, dựa vào các quy định để hưởng lợi từ chính sách. Từ góc nhìn này, dự thảo quy định mới chỉ nên hiểu dưới góc độ phòng vệ chính đáng, nghĩa là những biện pháp đưa ra chỉ mang tính kỹ thuật, chỉ dành cho những DN sản xuất ô tô có thêm thời gian để đáp ứng với các chuẩn mực, tăng năng lực, giá trị sản xuất khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.