Kinh doanh tại châu Phi: Khó nhưng hấp dẫn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như thị trường Đông Âu, Bắc Âu, Mỹ, Nhật… đã trở nên chật chội vì có quá nhiều DN đầu tư và xuất khẩu tầm cỡ cạnh tranh thì thị trường châu Phi chính là “miền đất hứa” với các DN có tầm nhìn dài hạn và chiến lược kinh doanh bài bản.

Khó khăn sinh cơ hội

Câu chuyện của Tập đoàn Viettel là một ví dụ, đầu tư vào lĩnh vực viễn thông ở một thị trường mà phần đông người dân chưa có khái niệm về internet, điện thoại di động, cơ sở hạ tầng kém phát triển… dường như là điều “không tưởng”. “Ở châu Phi, có những ngôi làng không có bất kỳ một con đường quốc lộ nào đi qua, vì thế họ dường như bị cô lập” - bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc Truyền thông của Viettel mô tả. Nhưng thực tế Viettel đã chứng minh điều ngược lại, chính vì hạ tầng kém phát triển, giao thông đi lại của người dân khó khăn thì họ mới càng có nhu cầu kết nối với thế giới bên ngoài và internet - viễn thông chính là công cụ hữu hiệu nhất.
Lumitel, mạng di động được Viettel đầu tư tại quốc gia trung Phi Burundi.
Lumitel, mạng di động được Viettel đầu tư tại quốc gia trung Phi Burundi.
Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, các thương hiệu nhà mạng được Viettel đầu tư gây dựng tại thị trường châu Phi là: Movitel (tại Mozambique), Next Tel (tại Cameroon), Lumitel (tại Burundi) và Halotel (tại Tanzania) đã có được chỗ đứng vững vàng tại các quốc gia mà DN này đầu tư, đồng thời nhận được nhiều giải thưởng quốc tế. Chia sẻ kinh nghiệm đầu tư vào thị trường châu Phi, đại diện Viettel cho rằng: “Cần coi quốc gia mình đầu tư là đối tác cùng hưởng lợi”. Chính quan điểm này đã giúp Viettel trúng thầu tại các thị trường châu Phi, vì trong khi các nhà đầu tư khác coi thị trường châu Phi là để khai thác thì Viettel lại muốn đầu tư bài bản, xây dựng hệ thống đường trục cáp quang nhằm phát triển hạ tầng viễn thông lâu dài cho các quốc gia này. “Nếu đầu tư xây dựng các trạm vi ba để phát sóng thì sẽ rất nhanh và tiết kiệm nhưng chúng tôi đã không làm thế” - bà Nguyễn Hà Thành nhấn mạnh. Viettel kinh doanh không chỉ nhìn vào lợi nhuận mà còn chia sẻ khó khăn cùng đối tác. Tại Burundi, khi quốc gia này xảy ra bạo loạn, Viettel đã không từ bỏ thị trường này mà vẫn cùng bám trụ và duy trì tốt mạng viễn thông Lumitel tại quốc gia này. Kết quả là đến nay, Lumitel đã có 1,5 triệu thuê bao, một con số đáng mơ ước của nhiều nhà mạng.

“Và Viettel tin tưởng, trong khó khăn luôn có cơ hội và đường là do đi mà có. Thị trường châu Phi hiện chiếm đến 50% tổng số các nước mà Viettel đầu tư ra nước ngoài” - đại diện Viettel chia sẻ thêm. Có thể nói, tầm nhìn dài hạn cộng với chiến lược kinh doanh bài bản đã giúp Viettel có được thành công ở các thị trường xa xôi như châu Phi.

Am hiểu luật địa phương

Ở một lĩnh vực kinh doanh khác, tại hội thảo “Xúc tiến thương mại và các phương thức trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại giữa các nước châu Phi và các nước Mekong khối Pháp ngữ” diễn ra trong hai ngày 7-8/6 tại Hà Nội, bà Thái Kiều Hương – đại diện Tập đoàn Xuân Thiện, DN đang đầu tư xây dựng nhà máy phát điện ở thị trường Châu Phi cho rằng, bên cạnh chiến lược đầu tư dài hạn thì các DN cần phải trang bị đầy đủ hiểu biết pháp lý. Bà Hương kể, trước khi thành lập công ty tại Cameroon, đội ngũ pháp chế tại Việt Nam và Paris của công ty Xuân Thiện đã xây dựng bộ khung pháp luật cho mô hình hoạt động tại thị trường Cameroon tuy nhiên khi gửi sang Cameroon thì luật sư tư vấn nước này nói là sai hết vì phải làm theo quy tắc của Luật OHADA, một bộ luật về đầu tư được áp dụng tại 17 quốc gia châu Phi. Rất nhiều DN khi làm ăn với thị trường này đã vướng phải những ách tắc như Xuân Thiện. Do đó kinh nghiệm rút ra là cần phải tìm hiểu rõ hệ thống pháp luật địa phương. “Ngoài ra, không thể kinh doanh tại châu Phi mà không có đối tác đồng hành, DN cần hợp tác với đối tác địa phương với sự hiểu biết thị trường sẽ hỗ trợ công ty của bạn tạo được niềm tin và dễ dàng thâm nhập thị trường, giảm thời gian khảo sát” - bà Hương chia sẻ.

Với tư cách là Phó Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam - châu Phi - Trung Đông, bà Thái Kiều Hương cũng đề xuất cơ quan quản lý trong nước thuê chuyên gia Châu Phi hỗ trợ DN Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, hỗ trợ kết nối với đội ngũ tư vấn luật, tư vấn thị trường, và hỗ trợ DN tìm đối tác, tổ chức hội thảo khảo sát thị trường, đặc biệt xây dựng cơ chế phát triển kinh tế Việt Nam - châu Phi…

Theo ông Hoàng Đức Nhuận - Phó Vụ trưởng Vụ Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), châu Phi gồm 55 quốc gia nhưng Việt Nam hiện mới có 9 đại sự quán đặt tại châu Phi, 5 cơ quan đại diện thương mại. Do đó, việc xúc tiến thương mại sang thị trường này còn gặp khá nhiều khó khăn, các DN Việt Nam rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ các đại sứ quán, tham tán thương mại, chuyên gia tư vấn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần