Kinh doanh trực tuyến: Có thể cạnh tranh với bán hàng truyền thống?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Câu hỏi này đã không còn được đặt ra với các nước phát triển trên thế giới, với doanh số hàng năm vài trăm tỷ đô la và thị phần tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, đây vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời tại thị trường Việt Nam.

Gần hơn với người tiêu dùng

Vấn đề lớn nhất trong quá khứ là cơ sở hạ tầng mạng và số lượng người dùng internet bây giờ đã không còn. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã phát triển mạnh việc phổ cập internet tới người dân và doanh nghiệp, với dẫn chứng là các quán cafe internet đang dần dần ít đi, vì đã có nhiều lựa chọn khác để vào mạng. Mạng internet có ở hầu hết các văn phòng, quán cafe, nhiều hộ gia đình… Dịch vụ 3G cũng đã triển khai rộng khắp giúp cho việc truy cập mọi lúc mọi nơi, cả khi đi công tác hay nghỉ lễ.

Vấn đề thứ hai là số lượng các chợ, siêu thị trực tuyến có chất lượng, nơi gặp nhau giữa người mua và người bán và sự phong phú các sản phẩm được bán online. Vấn đề này cũng đã được giải quyết khá tốt trong thời gian qua, khi có hàng loạt các siêu thị trực tuyến cũng như cửa hàng mua theo nhóm xuất hiện, với các tính năng không thua kém các trang phổ biến ở nước ngoài.

Vấn đề thứ ba là thanh toán trên mạng. Đây có vẻ vẫn đang là một cản trở việc tạo thói quen mua bán trực tuyến khép kín cho người dùng khi mà vẫn đang ít người sử dụng thẻ tin tưởng khi thanh toán. Các ngân hàng chủ yếu vẫn cung cấp dịch vụ riêng lẻ, chưa có sự thông suốt trong toàn hệ thống. Các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền trực tuyến của các ngân hàng, ví dụ i-banking vẫn chưa được thông dụng. Tuy nhiên, điều này cũng không phải là cản trở chính, vì các công cụ đã có nhiều, chủ yếu là người dùng chưa có thói quen để sử dụng.

Vấn đề cuối cùng và lớn nhất theo đại diện của sàn thương mại điện tử Siêu thị Mở (http://sieuthimo.com) là thói quen và tâm lý của người mua hàng. Người sử dụng internet ở Việt Nam dường như vẫn gặp khó khăn khi làm quen với một phương thức mới, công cụ mới. Chẳng hạn, sau khi xem thông tin chi tiết về một sản phẩm bán trên mạng, mặc dù thông tin, hình ảnh, giá cả đã đầy đủ cho việc quyết định mua nhưng đa số vẫn gọi đến mua qua điện thoại, thay vì thực hiện thêm vài click chuột để thực hiện quy trình mua hàng mặc dù quy trình này giúp rất nhiều cho người bán trong việc quản lý thông tin và các đơn hàng, cũng như tạo ra một biên nhận mua hàng để tránh những sai sót.

Bước qua rào cản tâm lý

Đối với tâm lý người mua hàng, vừa qua một số sự việc không hay xảy ra giữa người mua và người bán, tạo tâm lý không tốt cho khách mua hàng. Ví dụ, hàng nhận được sau khi đã thanh toán trực tuyến không đúng với yêu cầu, giao hàng chậm…. Chính vì để tránh những sự việc này, các sàn trực tuyến như Siêu thị Mở thường đứng ra để đảm bảo cho việc mua bán giữa người bán và người mua nếu khách mua thanh toán trực tuyến. Ngoài ra, đa số người bán và các siêu thị trực tuyến đều chấp thuận hình thức thanh toán khi giao hàng, nghĩa là chỉ thanh toán tiền khi hàng đã được chuyển đến và đã được khách mua kiểm tra.

Vậy nên, để việc mua bán trực tuyến được phát triển và thông dụng, tạo ra những lợi ích to lớn cho xã hội như: giảm chi phí, giảm tắc đường, tăng hiệu quả làm việc... mỗi người tiêu dùng phải vượt qua được cản trở lớn nhất là thay đổi thói quen của chính mình, tạo môi trường và khuyến khích cho sự kinh doanh trực tuyến chuyên nghiệp được phát triển.