Kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thị trường xăng dầu hiện nay không có tính độc quyền; tính cạnh tranh ngày càng tăng, hoạt động kinh doanh xăng dầu được công khai, minh bạch để người dân, DN đều có thể khai thác, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động nghiên cứu của mình, đồng thời giám sát được việc điều hành kinh doanh xăng dầu của cơ quan quản lý Nhà nước, điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của DN…”

“Thị trường xăng dầu hiện nay không có tính độc quyền; tính cạnh tranh ngày càng tăng, hoạt động kinh doanh xăng dầu được công khai, minh bạch để người dân, DN đều có thể khai thác, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động nghiên cứu của mình, đồng thời giám sát được việc điều hành kinh doanh xăng dầu của cơ quan quản lý Nhà nước, điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của DN…” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định trong Báo cáo thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về chất vấn và trả lời chất vấn vừa gửi tới các ĐB Quốc hội.

 
Kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Cuối năm 2012, trên thị trường có 12 DN đầu mối tham gia kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, trong đó có cả DN Nhà nước và DN tư nhân; đến giữa tháng 5/2015, số DN đầu mối đã tăng lên 22, trong đó có 8 DN Nhà nước. Theo Bộ trưởng, “mặt hàng xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những DN đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 83 đều có thể tham gia kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, vì vậy việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa”.

Về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong công tác điều hành giá xăng dầu, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.

Đối với lĩnh vực điện lực, Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy: Lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam sẽ được thực hiện cụ thể như sau: Thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1): Tiếp tục thị trường phát điện cạnh tranh: Từ năm 2012; thị trường bán buôn điện cạnh tranh (cấp độ 2): Từ năm 2015 - 2021; thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (cấp độ 3): Từ năm 2021. Thực hiện quy định tại lộ trình, từ năm 2015, thị trường điện Việt Nam sẽ chuyển từ thị trường phát điện cạnh tranh sang thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết: Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục xây dựng mới, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về điều tiết giá điện và vận hành thị trường điện nhằm tiếp tục nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh điện.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần