Nhiều vụ án mạng
Những vụ giết người thương tâm xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ thủ phạm bị “ngáo đá” luôn gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân. Đau xót hơn, trong cơn điên dại, đối tượng có thể ra tay giết hại cả người thân. Một trường hợp gây chấn động dư luận mới đây là Nguyễn Văn Quý (33 tuổi, TP Hồ Chí Minh) trong lúc lên cơn ngáo đá, tưởng người chạy xe ôm bên kia đường là kẻ thù nên chạy ra cầm dao đâm liên tiếp vào người khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó. Hay tại Đà Nẵng, đối tượng Nguyễn Hoài Thanh (32 tuổi) dùng xẻng đập vào mặt người yêu.
Tại cơ quan công an, Thanh thừa nhận trong khi lên cơn ngáo đá đã giết chị V. vì nhầm tưởng người yêu là con rắn độc. Tương tự, nhiều trường hợp bị ngáo đá tưởng người thân của mình là trăn tinh, quỷ dữ liền ra tay giết hại. Thậm chí, đã có trường hợp thấy buồn nên chạy ra đường, gặp ai chém tới tấp vào người đó.Ngoài những kẻ ngáo đá gây án mạng nghiêm trọng, tại nhiều bệnh viện, số bệnh nhân nhập viện do sử dụng ma túy đá ngày càng tăng. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, Trung tâm từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị tim mạch, thần kinh vì dùng ma túy quá liều, có trường hợp đã tử vong. Mới đây, Trung tâm cấp cứu cho một người đàn ông 41 tuổi, ở Hải Dương, bị sốc do sử dụng ma túy đá. Bệnh nhân này bị biến chứng tim, kèm theo tình trạng tổn thương não, thận. Hay trường hợp một bệnh nhân nữ, 15 tuổi ở Hòa Bình nhập viện trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, khi tỉnh lại rồi vẫn không biết mình là ai, bố mình tên gì. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là T. bị sốc khi chơi ma túy đá.Vô cùng nguy hiểmTheo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, người sử dụng ma túy đá bị hoang tưởng sẽ rất nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng, họ sẵn sàng giết người nếu có vũ khí trong tay. Ngay cả bác sĩ cũng đã bị những kẻ ngáo đá tấn công khi đang cấp cứu. Người nghiện ma túy đá dù ở mức độ cấp tính hay mãn tính thì đều nguy hiểm. “Nếu bệnh nghiện ma túy đá ở dạng cấp tính, khi cứu được cũng sẽ để lại những di chứng thần kinh, còn nếu ở dạng mãn tính, nguy cơ đối với tim mạch rất cao, bệnh nhân sẽ khó được cứu chữa hơn” - bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, Trung tâm liên tiếp nhận những trường hợp bị sốc do ma túy đá thế hệ mới gây nên, trong đó, ít nhất hai trường hợp đã tử vong. Trước đây, các ca nhập viện vì ma túy đá chủ yếu là bệnh nhân loạn thần, ảo giác, kích thích, không ghi nhận tử vong. Hiện tại, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng hơn, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, huyết áp, đe dọa tính mạng, thậm chí tử vong.Theo bác sĩ La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư, nếu dùng ma túy đá đến mức “ngáo” thì sẽ khiến người nghiện sinh ra loạn thần hoang tưởng, ảo giác. Người ngáo đá sẽ cho rằng mình có năng lực “siêu phàm”, sẽ có những hành vi nguy hiểm và kỳ lạ. Ảo giác khiến họ nghe thấy tiếng xui khiến họ tạo ra các hành vi kỳ dị, nguy hiểm như trèo cột điện, leo lên mái nhà. Nhiều người thấy mình biến thành chim, thành bướm nên thích leo lên cao và bay lượn xuống dưới, có người tưởng mình là nàng tiên cá liền nhảy xuống sông bơi. Hành vi nguy hiểm hơn cả là việc người ngáo đá có hoang tưởng bị tấn công, đe dọa tính mạng nên họ có các hành vi chống lại. Nhiều người nhìn người thân như thấy quái vật đang tấn công họ nên họ dùng vũ khí tấn công lại, gây ra các vụ giết người man rợ.Theo số liệu từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, số người nghiện ma túy, trong đó có ma túy đá được xác nhận hiện nay ở Việt Nam hiện khoảng 200.000 người, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn. Xu hướng dùng ma túy của nhóm thanh thiếu niên chủ yếu là ma túy tổng hợp. Điều trị cho nhóm nghiện ma túy tổng hợp rất khó khăn nên chủ yếu là dự phòng theo cấp độ.
Khi phát hiện các trường hợp bị ngáo đá có hành vi gây mất an ninh trật tự, mọi người cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý. Tuyệt đối không nên một mình lao vào khống chế nếu những trường hợp “ngáo đá” đó mang theo hung khí, tỏ ra hung hãn. Đối với các gia đình có người thân sử dụng ma túy đá, nên chủ động cung cấp thông tin tới hàng xóm, tổ dân phố cũng như cơ quan chức năng để có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội |