Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế 6 tháng cuối năm kỳ vọng vẫn tăng mạnh

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi công bố GDP quý II, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 2022 được dự báo tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong khi các tổ chức quốc tế giảm dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới.

Nhiều dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Theo các tổ chức quốc tế, năm 2022, nền kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng 2,9 - 3,1%. Liên hợp quốc đánh giá, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,1% vào năm 2022, đánh dấu mức điều chỉnh giảm 0,9 điểm phần trăm so với dự báo được công bố vào tháng 1/2022. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, sau hơn 2 năm đại dịch cùng với tác động lan tỏa từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến hoạt động kinh tế toàn cầu giảm mạnh, dự kiến chỉ đạt 2,9% năm 2022.

Hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  
Hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

Đồng thời, WB cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới. Theo đó, tăng trưởng của Mỹ năm 2022 dự báo đạt 2,5%, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1/2022. Khu vực đồng Euro chỉ đạt 2,5%, giảm 1,7 điểm phần trăm; Nhật Bản đạt 1,7%, giảm 1,2 điểm phần trăm; Trung Quốc đạt 4,3%, giảm 0,8 điểm phần trăm. WB dự báo tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,8% trong năm 2022, cao hơn so với dự kiến tăng trưởng của Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Trong khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5,0%; Philippines đạt 6,0%; Thái Lan đạt 3,0%; Singapore đạt 4,3%; Malaysia đạt 6,0% và Việt Nam đạt cao nhất ở mức 6,5%.

Còn theo dự báo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam đạt 6,5%, cùng với Philippines dẫn đầu tăng trưởng khu vực ASEAN.

Dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý II/2022 và dữ liệu lịch sử, ngày 30/6, Ngân hàng UOB (Singapore) công bố nâng mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7%, từ mức 6,5% trước đó.

Các tổ chức quốc tế cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 cao, sự chuyển đổi sang cách tiếp cận ngăn chặn đại dịch linh hoạt hơn, mở rộng thương mại và chương trình phục hồi - phát triển kinh tế của Chính phủ. Các biện pháp tiền tệ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho nền kinh tế, thông qua việc các tổ chức tín dụng dự kiến giảm 0,5% - 1,0% lãi suất cho vay trong năm nay và năm sau, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ tín dụng đến hết năm 2023.

Lường trước khó khăn, nhiều ngành được dự báo phục hồi

Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II cao nhất trong 10 năm qua, ước đạt 7,72% (vượt xa mức dự báo 5,9% của các tổ chức nghiên cứu), góp phần đưa GDP trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 6,4%, đạt mức cao nhất của 3 năm qua.

Các ngành sản xuất chính đều tăng trưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,7%, còn khu vực dịch vụ tăng 6,6%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng gần 9,7%.

Nền kinh tế trong nước phục hồi rõ nét, nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng của người dân tăng cao. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được duy trì tích cực với dòng vốn đầu tư giải ngân đạt 10,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 8,9% so với cùng kỳ.

"Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, số lượng DN thành lập mới tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước phản ánh nền kinh tế đang hồi phục và phát triển" - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Bức tranh kinh tế cả nước 6 tháng cũng có không ít điểm sáng, phục hồi rõ nét trong nhiều lĩnh vực. Nhiều địa phương đạt được những con số tăng trưởng ngoạn mục trong quý II/2022.

Từ nay đến cuối năm, các tổ chức dự báo nhiều ngành sẽ tiếp tục phục hồi. Xuất khẩu hàng hóa được dự báo tăng 8% -10% trong năm 2022. Với lĩnh vực du lịch dự báo tăng trưởng 5,5% và đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2022. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ hỗ trợ thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm 2022. FDI dự báo tăng trên 19 tỷ USD; tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ, giúp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi...

Tuy vậy, Việt Nam hiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến khó lường với giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhất là xăng, dầu tăng cao khi chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine. Ngoài ra, việc giải ngân đầu tư công chưa được cải thiện mạnh mẽ. Lạm phát có xu hướng “tăng nhiệt”.

“Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt mang tính cục bộ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể là một rủi ro đến thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam” - Ngân hàng UOB khuyến nghị.

Tuy vậy, điểm thuận lợi của Việt Nam trong việc kiềm chế lạm phát, ở chỗ nước ta vẫn đang tự chủ được phần lớn nguồn cung lương thực thực phẩm (chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa tính CPI), nên lạm phát dù có tăng nhưng nhiều khả năng không vượt quá xa mục tiêu kiểm soát của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, NHNN cũng “dễ thở” hơn trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, nhằm đảm bảo mức tăng của mặt bằng lãi suất (nếu có) sẽ không quá lớn (chỉ ở mức 0,5 - 1%), qua đó hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ sản xuất thông qua Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề đơn giản hoá điều kiện kinh doanh phải được cải thiện. Năm 2022 là thời điểm phải tạo thuận lợi cho DN hoạt động, hồi phục sau dịch bệnh. Các hiệp hội, ngành hàng cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để giảm giá xăng dầu, giảm giá nguyên, vật liệu và chi phí logistics. Những vấn đề này cần phải được xây dựng trong đề án chính sách điều hành vĩ mô trong những tháng cuối năm 2022.