Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao nhất, lạm phát thấp nhất
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê (TCTK), GDP trong quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73% và quý III tăng 7,31%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay thuộc về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ. Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%, trong khi dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Còn nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,02%, (thấp hơn so với cùng kỳ là 3,7%).
Nếu tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mục tiêu cao nhất mà Quốc hội đề ra thì tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,73%, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch tăng trưởng trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm |
Tổng Cục trưởng TCTK Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế, thương mại, chính trị, an ninh thế giới có nhiều biến động đáng lo ngại, kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định. Sau 9 tháng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam là 194,3 tỷ USD; nhập khẩu là 188,42 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 382,72 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng cao 16,4%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%). Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 5,9 tỷ USD.
Nguồn FDI tính đến tháng 9 này đánh dấu sự quay đầu tăng trở lại, đạt 26,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái (sau 3 tháng liên tiếp bị sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái). Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 14,22 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ. TCTK cũng cho hay, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tận dụng hội nhập, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ vẫn khả quan, nhờ nhu cầu tiêu thụ nội địa, sự gia tăng mạnh hơn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự phục hồi nhẹ trong nông nghiệp và việc đẩy mạnh giải ngân các khoản chi đầu tư cơ bản trong các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia mà Chính phủ đang quyết liệt.
Việt Nam đứng trước rủi ro tác động biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đang cân nhức rất kĩ lưỡng những vấn đề này, đổi mới KHCN áp dụng 4.0, khởi nghiệp, kinh tế số và Việt Nam sẽ có vị thế của mình tận dụng hết các tiềm năng của mình.Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick |
Trên cơ sở kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành, lĩnh vực 9 tháng đầu năm 2019, tính toán của TCTK, để cả năm tốc độ tăng GDP đạt 6,8% thì GDP quý IV phải tăng 6,45%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,38% và khu vực dịch vụ tăng 7,03%. Tuy nhiên, do ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản khó đạt được tốc độ tăng trưởng đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019, các ngành công nghiệp và dịch vụ thị trường cần phải tăng tốc để bù đắp vào phần thiếu hụt của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
TCTK khuyến nghị các cấp các ngành cần tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019; tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất cho nền kinh tế. Về phía các DN trong nước cần nâng cao hiệu quả hoạt động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới…
Hà Nội: GRDP 9 tháng tăng 7,35% Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 7,01% của cùng kỳ năm 2018), trong đó: Quý I/2019 tăng 7%; quý II/2019 tăng 7,41%; quý III/2019 tăng 7,62%. Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn theo giá hiện hành tăng 12,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,84%; tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 10,7%; thu ngân sách tăng 15%. Trong 9 tháng năm 2019, TP Hà Nội cũng đã cấp giấy chứng nhận cho 20.562 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 263,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9% về số lượng DN và tăng 28% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn. |