Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế ban đêm: Nhân tố kích cầu bất động sản du lịch

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất động sản (BĐS) du lịch là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Theo các chuyên gia, phát triển dịch vụ vào ban đêm (hay còn gọi là kinh tế ban đêm) sẽ trở thành nhân tố quan trọng tạo động lực cho sự phục hồi của phân khúc này.

Giảm doanh thu tiêu dùng
Anh Andy Zagorski, làm việc tại Tổng Công ty Đa phương tiện VTC cho biết, từ khi đến Việt Nam, anh đã dành nhiều thời gian để đi khám phá, du lịch. Nhưng một số địa điểm sau khi đến thì anh không có ý định quay trở lại. “Các dịch vụ ở đó chưa mang đến trải nghiệm thú vị. Ví dụ đến phố đi bộ Hội An (Quảng Nam) sau 22 giờ gần như không còn hoạt động gì. Bán hàng, ăn uống và nơi tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ nằm đan xen nhau mà không phân biệt từng khu. Ở những nơi khác như Đà Nẵng hay Vân Đồn (Quảng Ninh) cũng vậy” – Andy chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết, thời gian gần đây, doanh thu tiêu dùng của khách du lịch khi đến Việt Nam có dấu hiệu giảm nhanh. Chỉ riêng trong năm 2019, tại địa bàn Đà Nẵng mức chi tiêu bình quân của khách du lịch giảm từ 5,22 triệu đồng xuống còn 4,652 triệu đồng, thời gian lưu trú bình quân cũng giảm từ 3 ngày xuống còn 2,7 ngày; doanh thu của các dịch vụ lưu trú và lữ hành thấp.
 Kinh tế ban đêm tạo động lực cho bất động sản du lịch phát triển. Ảnh: Doãn Thành
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chỉ số này còn giảm hơn. “Doanh thu từ các khoản chi tiêu của khách du lịch ngày càng có xu hướng giảm do thiếu sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vào ban đêm” – ông Cao Trí Dũng cho hay.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên Đỗ Trọng Hiệp, hiện nay, các sản phẩm dịch vụ ban đêm phục vụ khách du lịch mới chỉ hình thành tại một số TP lớn và khu vực ven biển nhưng chưa phong phú.
“Hoạt động thương mại, vui chơi, giải trí, tham quan vào ban đêm tại các địa bàn du lịch vẫn bị bỏ trống, chưa được khai thác hiệu quả, sản phẩm thiếu hoặc chưa thực sự hấp dẫn du khách. Trong khi đó, dịch vụ phục vụ khách du lịch ban đêm lại đang phụ thuộc vào khuôn khổ pháp lý” - ông Đỗ Trọng Hiệp nhìn nhận.
Thay đổi tư duy
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, mô hình kinh tế ban đêm chưa thực sự hiệu quả vì các chủ đầu tư mới chỉ tập trung khai thác lợi nhuận từ tài nguyên đất, chứ chưa chú tâm phát triển sản phẩm dịch vụ để khai thác thêm giá trị thặng dư. Vì vậy, nhà đầu tư cũng cần phải thay đổi thói quen kinh doanh của mình.
Trong kịch bản hồi phục hậu dịch Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định, ngành du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội cho du khách “được tiêu tiền” thông qua những trải nghiệm mới, giúp tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu mỗi ngày.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho biết, tại các quốc gia có vị trí địa lý gần Việt Nam như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc... kinh tế đêm đóng góp lớn cho nền kinh tế. Hoạt động văn hóa - du lịch gắn chặt với những khu giải trí về đêm. “Nếu làm tốt mô hình kinh tế ban đêm có thể giúp cho GDP tăng được 5 – 8%/năm. Như vậy sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho BĐS du lịch phát triển” – ông Cấn Văn Lực cho hay.

"Theo quy chế hiện nay, các dịch vụ về đêm chỉ được hoạt động đến trước 0 giờ. Cần phải có cơ chế mở hơn trong việc xây dựng hệ sinh thái ban đêm để thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, tạo điều kiện cho BĐS du lịch phát triển. Thay đổi cơ chế quản lý Nhà nước và tư duy kinh doanh của DN là vấn đề then chốt." - Chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS Vũ Quang Vinh