Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí đã chọn hướng đi đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, trực tiếp đi tìm độc giả ở các nền tảng số, phát triển các mô hình kinh doanh mới mẻ. Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để tìm hiểu sâu hơn về một số vấn đề kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay.
Làm kinh tế được xem là hoạt động cần thiết và mang tính sống còn với hầu hết các cơ quan báo chí. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?
Kinh tế báo chí là một vấn đề cần phải được quan tâm khi chúng ta vận hành toàn bộ xã hội theo kinh tế thị trường. Tất cả các lĩnh vực trong xã hội cũng phải có tư duy thị trường, phù hợp với quy luật thị trường và báo chí cũng không thể nằm ngoài các quy luật chung đó.
Chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc hơn về câu chuyện kinh tế báo chí. Tuy nhiên, báo chí ở Việt Nam khá đặc biệt, khác rất nhiều so với báo chí nước ngoài. Báo chí trong nước không thể chỉ làm kinh tế mà vẫn phải bám sát định hướng, giá trị quan trọng của ngành trong việc phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, định hướng nhận thức của người dân trong toàn xã hội đến những giá trị tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống.
Vì vậy, bên cạnh việc tham khảo các mô hình kinh doanh của các cơ quan báo chí quốc tế, các tờ báo trong nước cũng phải có kinh nghiệm riêng, giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay để kinh tế báo chí thực sự giúp cho hoạt động báo chí vừa gần gũi với quy luật kinh tế thị trường, tạo ra sự năng động, linh hoạt, hiệu quả của các cơ quan báo chí.
Một thực trạng phổ biến ở nhiều cơ quan báo chí hiện nay là thu không đủ bù chi. Những tờ báo có có tình hình kinh tế vững chắc chỉ là thiểu số. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến tính trạng này ?
Theo đánh giá của tôi, chúng ta đang gặp một số khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí.
Đầu tiên, xét trên góc độ chủ quan, chúng ta vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong kinh tế báo chí, việc “mày mò” tự rút kinh nghiệm đã khiến hoạt động kinh tế báo chí gặp khó khăn trong giai đoạn đầu tiên.
Bên cạnh đó, do một thời gian quá dài đã quen với việc được bao cấp. Điều này trở thành quán tính và tạo sức ì của các cơ quan báo chí trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta vẫn chưa có nhiều kỹ năng kinh doanh, chưa biết cách xây dựng thương hiệu, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của độc giả…
Xét ở góc độ khách quan, báo chí gặp khó khăn từ các phương tiện truyền thông mới. Thông tin từ các mạng xã hội rất nhanh đến với đông đảo người dân, phù hợp với thói quen đọc báo, xem tin của độc giả trẻ…
Tầm ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông mới làm cho việc thu hút độc giả với báo chí khó khăn hơn, nguồn lực quảng cáo hỗ trợ cho hoạt động báo chí cũng dần bị thu hẹp.
Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho các cơ quan báo chí, theo tôi cần phải có sự thay đổi về “cơ chế đặt hàng” từ các cơ quan nhà nước thông qua những chương trình truyền thông chính sách. Báo chí sẽ là cầu nối hữu hiệu và hiệu quả để đưa các chính sách của nhà nước đến với người dân dễ dàng, dễ hiểu hơn. Đồng thời báo chí cũng là nơi phản ánh đầy đủ, đa chiều tâm tư của người dân đến với các cấp lãnh đạo trong chính quyền.
Cần thiết phải có một bộ đo để đánh giá cơ quan báo chí nào làm tốt, đơn vị nào làm chưa tốt nhiệm vụ tuyên truyền dạng này, để phân bổ nguồn ngân sách hiệu quả hơn.
Từ đó giúp tạo nguồn lực đủ lớn cho các cơ quan báo chí hoạt động tốt hơn. Đặc biệt, không để báo chí chạy theo lợi ích vật chất, lợi ích kinh tế để gây ảnh hưởng tiêu cực đến tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại là thời điểm thích hợp để coi cơ quan báo chí là doanh nghiệp, sản phẩm báo chí là hàng hóa. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này ?
Tất cả các ý tưởng này đều đúng vì như vậy sẽ làm cho hoạt động báo chí phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm báo chí là hàng hoá nhưng có điều kiện đặc biệt.
Do đó, phải ứng xử theo cách thức đặc biệt, không thể đi theo đáp ứng những nhu cầu của thị trường, những nhu cầu khác nhau của độc giả. Báo chí phải định hướng nhận thức, văn hoá, đạo đức trong xã hội, tạo ra môi trường lành mạnh, thông tin tốt đẹp, tích cực để giúp phát triển đất nước bền vững hơn.
Vậy các cơ quan báo chí cần phải gì để giải được bài toán kinh tế, từng bước tự chủ tài chính, để từ đó vừa có bước phát triển đột phá và thực hiện tốt vai trò, chức năng báo chí cách mạng Việt Nam?
Đây là bài toán khó nhưng cần có lời giải để tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Vấn đề này phải có hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể.
Đầu tiên, cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng đất nước, từ đó có được sự quan tâm đầy đủ, phù hợp hơn với các cơ quan báo chí.
Các sản phẩm báo chí cần phải được coi là hàng hoá đặc biệt. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo quy luật kinh tế thị trường như cung-cầu, giá trị, hàng hoá… thì vẫn phải có sự hỗ trợ nhất định từ nhà nước để báo chí giữ gìn được hình ảnh, tôn chỉ mục đích. Không để các cơ quan báo chí chạy theo những thị hiếu tầm thường hay lợi ích vật chất khiến báo chí rời xa nguyên tắc căn bản giá trị đạo đức.
Từ đó, nhà nước cần phải có cơ chế chính sách phù hợp hơn để các cơ quan báo chí hoạt động hiệu quả, như tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính thông qua cơ chế đặt hàng, hỗ trợ thuế…
Không chỉ vậy, nguồn nhân lực báo chí cũng phải được coi trọng. Nhân lực báo chí cần phải có năng lực tốt, cập nhật nhanh thông tin trong điều kiện hoàn cảnh hiện nay và mặt bằng chung của thế giới. Bồi dưỡng giá trị đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp để giúp những người làm báo có sự tự tin và yên tâm với nghề của mình.
Cũng cần chú ý về cơ sở vật chất, cơ quan quản lý, ở đây là Bộ TT&TT và cơ quan chủ quản cần tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đơn cử, các trang thiết bị phù hợp với các tòa soạn hội tụ, tiến tới chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động báo chí.
Ngoài ra, cần xây dựng văn hoá báo chí lành mạnh với các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp để định hướng tốt hơn cho tất cả các hoạt động báo chí, trong đó có kinh tế báo chí.
Các giải pháp mang tính tổng hợp như vậy, cùng với các giải pháp khác sẽ giúp cho hoạt động kinh tế báo chí thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình, đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các cơ quan báo chí.
Trân trọng cảm ơn ông!