Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế bóng đá: Bắt đầu từ đâu?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện tại với những biến động của bóng đá Việt Nam, dù được đầu tư nhiều, mỗi năm dự tính 1.500 tỷ đồng, song cũng chưa thấy bóng dáng thực sự của một nền "kinh tế bóng đá".

Thước đo

Tham gia thị trường chứng khoán không chỉ là kênh thu hút đầu tư mà còn là thước đo giá trị, sức khỏe và khả năng tồn tại của một đơn vị kinh tế. Đây là câu chuyện mạo hiểm mà ngay cả các CLB lớn trên thế giới cũng cảm thấy không dễ tham gia. Khi nhà Malcolm Glazer niêm yết M.U trên thị trường chứng khoán New York, họ đã từng chịu không ít tác động của thị trường.

Kinh tế bóng đá: Bắt đầu từ đâu? - Ảnh 1

Các cổ động viên luôn cổ vũ nhiệt tình mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu.Ảnh: Quang Minh
 

Ngay sau khi M.U không đoạt chức vô địch Ngoại hạng Anh, giá cổ phiếu của CLB này sụt giảm nghiêm trọng và giá trị ước tính chỉ còn 800 triệu USD thay vì 2,8 tỷ USD như dự tính. Song, M.U vẫn là CLB giàu có và thu lãi tốt nhất thế giới.Ở Việt Nam, nếu tham gia thị trường chứng khoán, chắc chắn các  CLB sẽ "sập tiệm" ngay lập tức vì đơn giản, dù được đầu tư hàng chục tỷ nhưng giá trị thực tế thu lại hầu như… không có. Nghĩa là V.League vẫn là cuộc chơi đốt tiền và chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm.

Đầu tư vào khán giả

Chuyên gia người Đức Rainer - Cựu Giám đốc Kỹ thuật  của VFF - định nghĩa: "Bóng đá chuyên nghiệp là cầu thủ sống được bằng khe bán vé ở sân vận động". Ở góc độ ấy, chính khán giả mới là ông chủ, mới là những người ẩn danh quyết định mức lương, giá trị chuyển nhượng của cầu thủ. Tất nhiên, cách nói của Rainer chỉ đúng trong điều kiện lý tưởng: Khán đài sân vận động luôn không còn một chỗ trống.

Ở Việt Nam, với câu hỏi tại sao khán giả ngày càng ít "mặn mà" với bóng đá? Câu trả lời là họ không được đặt ở vị trí đúng với những gì đáng được nhận.

Khái niệm bóng đá chuyên nghiệp luôn được hiểu ở tầm rất cao như cung cách quản lý hay ý thức cầu thủ. Thực tế, sự chuyên nghiệp phải đến từ mỗi chi tiết, từ những điều nhỏ bé. Khán giả không thể yêu bóng đá khi những chiếc ghế trên khán đài nhom nhem bẩn thỉu, khi những nhà vệ sinh bốc mùi và để gửi một cái xe máy họ phải chịu cái giá cắt cổ.

Cùng với việc nâng cao chất lượng từng trận đấu, việc biến mỗi khán đài trở thành một tụ điểm văn minh, có môi trường văn hóa là điều cần làm ngay chứ không phải cơ cấu hay kiến trúc thượng tầng của nền bóng đá.

Đầu tư vào khán giả để khán giả đầu tư vào bóng đá mới chính là điều mà một nền kinh tế bóng đá cần đặt trọng tâm.

Tất nhiên, vé không phải nguồn thu chính, kinh tế bóng đá chỉ phát triển được nếu có những ngành công nghiệp đi kèm: truyền hình, quảng bá, đồ lưu niệm, áo thi đấu, công nghiệp dịch vụ ăn theo…

Tất cả những yếu tố sống còn này đã bị bỏ quên trong suốt 10 năm làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Cuộc khủng hoảng về tài chính tại V.League và các đội hạng nhất năm 2012 lại được đánh giá là cơ hội để các nhà quản lý bóng đá xem xét, định hướng lại nền kinh tế bóng đá, nói một cách nôm na là bắt bóng đá trở thành "con gà đẻ trứng vàng".

Ngay bây giờ, thay vì đầu tư quá nhiều vào cầu thủ để tạo ra những giá trị ảo, hãy đầu tư vào khán giả để mang về những giá trị thật.

Tìm hướng đi

HAGL của ông bầu Đoàn Nguyên Đức được cho là có quan hệ mật thiết với một CLB nước ngoài nhất: CLB Arsenal của Ngoại hạng Anh. Điều này được thể hiện qua Học viện bóng đá  HAGL Arsenal JMG. Cuối năm 2012 vừa qua, 4 cầu thủ thuộc "thế hệ thứ nhất" của HAGL Arsenal JMG đã sang tập luyện và thử việc tại Arsenal theo lời mời của HLV Arsene Wenger.

Điều đáng tiếc là mối liên hệ này lại không thể trở thành sợi dây liên kết, ràng buộc giữa người hâm mộ CLB HAGL và các fan của Arsenal tại Việt Nam. Hai cộng đồng này vẫn tồn tại độc lập với nhau.

Trong khi đó, bầu Đức đã có cú đầu tư khá ngoạn mục là thành lập CLB Hoàng Anh Attapeu trên đất Lào. Đây được cho là nước cờ lạ với khoản đầu tư rất lớn từ nhân lực, cơ sở hạ tầng, lương cho cầu thủ và HLV. Giải vô địch Lào đang trở thành mảnh đất đầu tư cho các ông bầu. Ngoài bầu Đức, bầu Hiển cũng đã thành lập CLB SHB Champasak - đội này cũng vừa đoạt Cup Quốc gia Lào.

Tất nhiên, đây không phải là câu chuyện kinh tế - bóng đá mà bóng đá có thể chỉ là cầu nối cho những câu chuyện thuần kinh tế khác mà lợi nhuận không đến trực tiếp từ những khoản đầu tư bóng đá.


Kinh tế bóng đá Việt cần gì?

- Tạo dựng, bảo vệ gìn giữ thương hiệu: Một trong những quyết định hợp lý được đưa ra trong năm 2012 là từ 2013 sẽ không có chuyện mua bán, đổi phiên hiệu. Trường hợp K.Khánh Hòa "chuyển hộ khẩu" về Hải Phòng là trường hợp cuối cùng.

- Kiếm tiền thay vì xin tiền: Thay vì trông chờ vào túi tiền của ông chủ, bóng đá cần tạo ra các khoản thu từ tiền vé, tiền quảng cáo, bản quyền truyền hình, kinh doanh dịch vụ ăn theo.

- Con người là hàng hóa: Biến bóng đá thành một ngành công nghiệp không khói mà ở đó đào tạo cầu thủ cũng được coi như quy trình sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao để đem ra thị trường chuyển nhượng.- Đồng sở hữu: Bóng đá phải là của công chúng, của cộng đồng là nơi có những hoạt động chung của những người yêu thích CLB. Người hâm mộ có thể đóng bằng tiền mua vé, mua các sản phẩm liên quan, thậm chí đóng vai trò là một cổ đông nếu CLB tham gia thị trường chứng khoán.