Kinh tế châu Á và sức ép từ “làn sóng bạc”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vài năm sau khi cảnh báo về tác động tiêu cực của xu hướng già hóa dân số mà các chuyên gia gọi là "làn sóng bạc" tới kinh tế toàn cầu được phát đi. Châu Á - khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới đã bắt đầu chứng kiến những tác động đầu tiên do làn sóng này gây ra.

Nhân loại đang già hóa với tốc độ chóng mặt, khi mỗi giây, trên thế giới lại có 2 người kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60. Và với tốc độ này, năm 2020, số người đến tuổi nghỉ hưu trên toàn hành tinh sẽ chạm mốc 1 tỷ.

Riêng tại châu Á, theo ước tính của Liên Hợp quốc, đến năm 2050, 62% dân số của khu vực sẽ bước vào độ tuổi 60 trở lên. Nhật Bản, hiện đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Dự kiến đến năm 2025, khoảng 30% dân số của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Con số này tại Trung Quốc – đất nước đông dân nhất thế giới – cũng sẽ lên tới 250 triệu người.
 
 
Kinh tế châu Á và sức ép từ “làn sóng bạc” - Ảnh 1

Xu hướng già hóa dân số đang tạo sức ép lớn lên các nước châu Á.

Nếu như dân số trong "độ tuổi bạc" (từ 60 tuổi trở lên) chiếm tỷ lệ cao từng là niềm mong ước của nhiều quốc gia châu Á với tư cách là một trong những thước đo của chỉ số hạnh phúc thì giờ đây, số người cao tuổi nhiều hơn số người trong độ tuổi lao động đã trở thành nguy cơ đe dọa tăng trưởng kinh tế khu vực.

Số người cao tuổi tăng đồng nghĩa với sức ép đè nặng lên ngân sách Nhà nước do hệ thống hưu trí, hệ thống bảo vệ sức khỏe và phúc lợi xã hội trở nên quá tải.

Đặc biệt, người cao tuổi có hành vi tiêu dùng rất khác so với người trong độ tuổi lao động như chi tiêu tiết kiệm hơn sẽ làm giảm nhịp độ tăng trưởng của châu Á và khiến nền kinh tế khu vực ngày càng trì trệ.

Dù đã và đang gây ra những sức ép không nhỏ lên ngân sách, chính sách của các quốc gia châu Á, nhưng với tư cách là xu thế không thể cưỡng lại, chỉ những nước biết đầu tư đúng mức vào “làn sóng bạc” mới có thể trở thành những nền kinh tế hùng mạnh.

Một khi Chính phủ các nước châu Á đưa ra một chính sách hợp lý để tận dụng những kinh nghiệm, kỹ năng, kiến thức và nguồn vốn của người cao tuổi, rất nhiều ngành kinh doanh có thêm điểm tựa để cất cánh.

Theo đó, các quốc gia có nguồn nhân lực trẻ hơn, chi phí thấp hơn như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để trở thành "công xưởng của thế giới".

Kinh doanh bảo hiểm và du lịch, xây dựng trung tâm chăm sóc sức khỏe, viện dưỡng lão, phát triển các sản phẩm công nghệ dành riêng cho người già, khi đó sẽ trở thành lĩnh vực đầu tư đầy triển vọng, góp phần củng cố sức mạnh của châu Á với tư cách là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.