Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế cuối năm sẽ khó khăn hơn

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 theo chiều hướng phức tạp đã làm thay đổi mọi dự báo, là phép thử khó khăn cho kinh tế trong năm nay.

Tăng trưởng nửa cuối năm sẽ xấu hơn

Tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại giữa và cuối quý II/2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, đặc biệt ảnh hưởng tới nhiều khu vực sản xuất và vùng kinh tế trọng điểm, làm gián đoạn quá trình sản xuất của các DN tại địa phương đang bùng phát dịch. 

Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng gần như không tăng so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ tương đương tốc độ tăng trưởng của khu vực nông lâm, ngư nghiệp, trong khi nông lâm, ngư nghiệp trước nay luôn là khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp nhất và dịch vụ bao giờ cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất. So với tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp xây dựng, dịch vụ cũng chỉ bằng khoảng một nửa. Theo các chuyên gia, đây là những tín hiệu rất đáng lo ngại, cho thấy rõ ảnh hưởng to lớn của đại dịch Covid-19.

 Ảnh minh họa

Dù vậy, kết quả tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm vẫn chưa thể hiện tác động chính yếu của đợt dịch lần thứ 4, đợt dịch sẽ tác động từ tháng 6. Do đó, tăng trưởng nửa cuối năm sẽ xấu hơn kết quả 6 tháng đầu năm.

TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) nhận xét, Việt Nam áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều tỉnh, TP. Các tỉnh này năm 2019 đã đóng góp khoảng hơn 45% GDP, và khoảng 42% tổng thu ngân sách. Việc giãn cách sẽ ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đóng góp cho tăng trường của các tỉnh này trong năm 2021. Ngoài ra, một vấn đề lớn hơn là chuỗi liên kết vùng, các chuỗi sản xuất, cung ứng bị gián đoạn cục bộ. Các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu đã bị gián đoạn bởi sự lệch pha về quy định phòng dịch giữa các địa phương, dù hàng hóa này được liệt vào nhóm ưu tiên.

Trong khi đó, đại dịch cũng đang có dấu hiệu phức tạp tại TP Hà Nội và các tỉnh thành khác, với mức độ lây nhiễm nhanh và khó kiểm soát hơn các đợt trước đây. “Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 đã và đang làm giảm hành vi tiêu dùng của các nền kinh tế, do đó trong ngắn hạn cầu về tiêu dùng sẽ giảm đi và hệ quả là tổng cầu giảm sút, dẫn đến tác động làm giảm tăng trưởng GDP”- TS Nguyễn Xuân Thành phân tích. Với các DN, ngoài tác động bởi dịch Covid-19, họ phải gánh thêm chi phí sản xuất do giá nguyên vật liệu, chi phí vận tải và giá thuê đất tăng.

Với diễn biến mới của dịch bệnh, nhiều tổ chức quốc tế hay tổ chức nghiên cứu trong nước đều thay đổi dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021, với các dự báo lạc quan nhất ở nước ngoài cũng giảm nhiều so với trước đó và đều dưới 6,5%. Standard Chartered, HSBC, Worl Bank và ADB điều chỉnh giảm lần lượt 0,2 và 0,9 điểm phần trăm so với trước. Trong khi các tổ chức trong nước dự báo tăng trưởng trong khoảng 4,5 - 5,1% (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VEPR) và 5,9 - 6,2% (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM).

Gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy các nguồn lực

Giám đốc điều hành Economica Vietnam Lê Duy Bình cho hay, hiện nay, giải pháp trong thời gian giãn cách xã hội, DN chỉ được tiếp tục hoạt động sản xuất khi đảm bảo một trong hai trường hợp. Một là vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động với phương châm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ. Hai là đảm bảo thực hiện "một cung đường – hai địa điểm", tức vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở (có thể chọn ký túc xá, khách sạn hoặc chỗ ở tập trung khác).

Theo ông Lê Duy Bình, giải pháp này nhằm ngăn chặn dịch bùng phát phức tạp tại các khu công nghiệp hay môi trường sản xuất. Với những DN lớn, việc xoay xở dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện. Nhưng với những DN vừa và nhỏ, chiếm 97% tổng số DN trong nền kinh tế, những giải pháp này trở thành thách thức rất lớn. Nguồn lực bị bào mòn trong hơn một năm Covid-19 khiến những DN này khó có thể đáp ứng quy định phòng dịch, mà cách lựa chọn khả dĩ nhất là dừng hoạt động.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, trước mắt cần ưu tiên chống dịch; tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an sinh, trật tự xã hội, lưu thông hàng hóa, cung ứng đầy đủ...

Theo PGS TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR, cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch; các bất cập liên quan đến đứt gãy trong lưu thông hàng hóa do các biện pháp cực đoan, thiếu trang thiết bị y tế, cần phải được tập trung nguồn lực để giải quyết nhanh chóng. Thứ hai, Chính phủ và các bộ, ngành nên khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ đối với người lao động mất việc, đặc biệt là những lao động trong khu vực phi chính thức. Thứ ba, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Cùng với đó, chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, động lực kéo lại kinh tế cho nửa cuối năm nay vẫn là đầu tư công. Nếu tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đảm bảo, đạt 95 - 100% theo dự toán, có khoảng 20 tỷ USD được đưa vào nền kinh tế. Nếu đầu tư công giải ngân tốt sẽ hỗ trợ rất tốt cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề là giải ngân vốn đầu tư công nửa đầu năm nay tiếp tục diễn ra tình trạng chậm, 6 tháng mới đạt hơn 29% kế hoạch. 

Ngoài ra, kỳ vọng từ xuất nhập khẩu, việc sớm khống chế đợt bùng phát thứ 4 cũng sẽ tạo ra tác động tích cực cho kinh tế nửa cuối năm. Tuy nhiên, TS Nguyễn Xuân Thành cũng nhìn nhận, kỳ vọng cho kinh tế vẫn có nhưng một yếu tố quan trọng là thời gian khống chế dịch.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc lo lắng: “Những khó khăn do dịch bệnh đang ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động, từng DN”. Do đó, quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trợ an sinh mới của Đảng, Nhà nước là rất kịp thời, hợp lòng dân. Các cấp bộ ngành cần thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho DN, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19. Phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho DN.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng kiến nghị Chính phủ triển khai phần mềm liên thông để kịp thời hỗ trợ người lao động và DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; rà soát chính xác, nhanh chóng đối tượng thụ hưởng; tránh việc bỏ sót có thể xảy ra.... Bên cạnh đó, cũng cần rà soát sức chống chịu của doanh nghiệp để có biện pháp căn cơ trong thời gian sắp tới.

Phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng trong nửa đầu năm 2022

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cho biết đã triển khai xây dựng các kịch bản phục hồi tăng trưởng và mở cửa từng bước thận trọng, an toàn, hiệu quả theo tình hình kiểm soát dịch Covid-19 và độ bao phủ tiêm chủng..., triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022.

Cải cách thể chế, tái cấu trúc kinh tế

Đại dịch cũng là dịp để thúc đẩy cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ đã tập trung rà soát những bất hợp lý, chồng chéo để kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, đồng thời Chính phủ thành lập các tổ công tác đặc biệt nhằm thúc đẩy hỗ trợ triển khai các dự án. Tôi đề nghị áp dụng sự hỗ trợ này không chỉ với các dự án đầu tư công và các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mà với cả những dự án của tư nhân hiện nay đang gặp trở ngại về thủ tục. Kinh tế số, không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu mới nổi, mà còn cải thiện được năng lực cạnh tranh của quốc gia nhờ giảm chi phí giao dịch cho cả khu vực công và khu vực tư nhân. (Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc)