Kinh tế đêm Hà Nội: Cần cú hích để bùng nổ

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là thị phần còn nhiều dư địa, kinh tế đêm của Hà Nội cần những cú hích để bùng nổ. Muốn vậy Hà Nội cần có một cơ chế đặc thù để khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, DN tham gia đầu tư sản phẩm này theo hướng chuyên nghiệp.

Còn nhiều dư địa

Thủ đô Hà Nội là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế văn hóa của cả nước. Không chỉ sôi động ban ngày, Hà Nội về đêm cũng sở hữu nhiều tiềm năng và thuận lợi để phát triển kinh tế đêm. Hà Nội cũng được đánh giá là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định. UNESCO đã trao tặng Thủ đô Hà Nội danh hiệu “Thủ đô vì Hòa bình”. An toàn đã trở thành thương hiệu của Hà Nội, được các nguyên thủ quốc gia, các nhà đầu tư, du khách ghi nhận.

Chợ đêm phố cổ Hà Nội thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: Công Hùng
Chợ đêm phố cổ Hà Nội thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát. Ảnh: Công Hùng

Trong những năm vừa qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, các hoạt động kinh tế đêm đã được hình thành ở Hà Nội. Đặc biệt là vào các ngày cuối tuần, hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với Hà Nội. Có thể kể tới chương trình tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh đến 2 giờ sáng; tổ chức không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận; tổ chức không gian đi bộ trong khu phố cổ…

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng kinh tế đêm vẫn còn thấp. Mặc dù số lượng DN, hộ kinh doanh tăng nhanh nhưng chất lượng vẫn chưa cải thiện nhiều. Chất lượng các dịch vụ kinh tế đêm không tốt đồng nghĩa với việc doanh thu của các DN, hộ kinh doanh sẽ ít dẫn tới đóng góp vào tăng trưởng GDP của TP là không đáng kể. Chưa kể tới việc đa số các chủ thể có hoạt động tích cực nhất lại thuộc khu vực phi chính thức. Điều này khiến Hà Nội gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm.

Dịch vụ sản phẩm đêm chưa đa dạng. Các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội để phục vụ người dân, du khách ở Hà Nội cũng khá khiêm tốn. Ngoài các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… các hoạt động khác gần như chỉ mang tính chất thời vụ hoặc vào các dịp lễ. Điều này khiến kinh tế đêm tại Hà Nội trở nên nhàm chán trong mắt một bộ phận khách du lịch nước.

Hoạt động kinh doanh còn mang tính chộp giật. Tình trạng ở nhiều điểm du lịch Hà Nội một số cơ sở, cá nhân kinh doanh đêm, đặc biệt là cung cấp dịch vụ ăn uống và vận chuyển còn thiếu chuyên nghiệp và trong nhiều trường hợp còn chặt chém du khách.

Quy mô còn rất nhỏ, hoạt động kinh tế đêm còn nghèo nàn đơn điệu với hiệu quả kinh tế chưa rõ nét. Hà Nội chưa có các tổ hợp vui chơi giải trí về đêm chất lượng và quy mô tầm khu vực. Các sản phẩm du lịch, dịch vụ còn đơn điệu, thiếu bản sắc và phát triển ở quy mô nhỏ, chỉ mới tập trung vào các hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ. Các hoạt động về giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm, hệ thống các cửa hàng, siêu thị, các khu mua sắm đêm sầm uất chưa được hình thành một cách đồng bộ, bài bản. Điều này khiến kinh tế đêm tại Hà Nội trở nên đơn điệu trong mắt một bộ phận khách du lịch nước ngoài.

Quy hoạch bài bản, song hành với chính sách phù hợp

Việc kinh tế đêm chưa phát huy hết tiềm năng có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên đó là do cơ chế chính sách của Nhà nước hiện nay thể hiện sự áp đặt tư duy của nhà quản lý vào hoạt động kinh tế, chưa cân nhắc kỹ nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Cơ chế chính sách chưa hoàn thiện, nên rất nhiều vấn đề phát sinh mà chưa tìm được cách giải quyết. Theo khảo sát, có tới 72% các DN, hộ kinh doanh đêm tại Hà Nội phàn nàn về các chính sách hiện tại của TP chưa có hoặc không hỗ trợ được nhiều cho việc kinh doanh. Chính sách cứng nhắc không phân loại được các DN, hộ gia đình kinh doanh kinh tế đêm với các DN có đặc trưng khác. Điều này dẫn tới việc đánh đồng và không phát huy hết tiềm lực của kinh tế đêm tại Hà Nội.

Chính sách bất cập làm hạn chế phát triển du lịch về đêm như quy định về giờ giấc kinh doanh. Tư duy còn lạc hậu, chưa tạo cơ chế đột phá để người dân mạnh dạn đầu tư; việc không có hoặc ít có sản phẩm ban đêm thì không có cách nào để giữ chân khách du lịch, không tạo thêm nguồn thu cho người dân địa phương, cũng như đóng góp ngân sách cho Nhà nước.

Mặt khác, Hà Nội vẫn chưa có nhiều chính sách hỗ trợ DN kinh doanh kinh tế đêm để thúc đẩy và tạo điều kiện cho các DN. Vì lí do trên mà hoạt động cung cấp sản phẩm đêm vẫn còn hạn chế, dẫn đến môi trường kinh doanh không thuận lợi, không thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế đêm. Xây dựng các cơ chế, chính sách cho phát triển kinh tế đêm không nhất thiết phải theo hướng hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, mà cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định, phù hợp, nới lỏng hơn để khuyến khích các cá nhân, DN tham gia đầu tư phát triển. Đồng thời, tập trung nhiều vào cơ chế quản lý cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng nền tảng cho kinh tế ban đêm.

Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để điều chỉnh kinh tế đêm không thể xây dựng thành một khung pháp lý riêng biệt, tách rời với khung pháp lý phát triển kinh tế chung của quốc gia. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế đêm phụ thuộc nhu cầu, chiến lược, kế hoạch và mục tiêu của từng địa phương. Do vậy, quan điểm tạo khung khổ pháp lý cho kinh tế ban đêm cần dựa trên cơ sở khung pháp lý hiện hành, xem xét, đánh giá và hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho phù hợp. Phải thể hiện được các quy định về hoạt động của kinh tế đêm phù hợp với các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; thể hiện rõ bản chất của kinh tế đêm nghiêng về các hoạt động hưởng thụ, giải trí hơn là nghiêng về sản xuất, kinh doanh, các hoạt động kinh tế, chính trị.