Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế đêm nhìn từ thế giới

Hoàng Nguyên
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Một số TP lớn trên thế giới, kinh tế ban đêm là chỉ số phản ánh quan trọng sức sống của cả một nền kinh tế.

Tại Pháp, du lịch đêm là một phần quan trọng trong ngành du lịch của họ. Thống kê cho thấy, năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 133,3 tỷ euro (tương đương 157 tỷ USD), chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp 9,7% vào GDP của Pháp.

Hay đối với Nhật Bản, du lịch cũng đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước này. Năm 2018, du lịch đêm đã đóng góp khoảng 1,1% vào GDP của Nhật Bản, tương đương với 2,3 nghìn tỷ yen (tương đương 21 tỷ USD).

Với Thái Lan, năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 1,9 nghìn tỷ baht (tương đương 63 tỷ USD), chiếm khoảng 11% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp khoảng 2% vào GDP của Thái Lan.

Du khách trải nghiệm tại phố Rue Montorgueil, Paris, Pháp. Ảnh: AFP
Du khách trải nghiệm tại phố Rue Montorgueil, Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Tại Seoul (Hàn Quốc), hơn 1 giờ sáng, một nhà tắm hơi công cộng vẫn nườm nượp người vào đăng ký. Không chỉ xông hơi, ngâm bồn nóng..., các vị khách tới tắm hơi giờ này sẽ ngủ qua đêm luôn tại đây.

Dao động từ 12.000 - 50.000 won/người (tương đương từ 230.000 - 1 triệu đồng) tùy quy mô và dịch vụ tại từng Jjimjilbang (mô hình phòng tắm hơi công cộng nổi tiếng ở Hàn Quốc), mỗi đêm, một Jjimjilbang có thể “bỏ túi” vài chục triệu đồng nhờ đón người bản địa và cả du khách quốc tế tới trải nghiệm văn hóa độc đáo này của xứ sở kim chi. Đây chỉ là một trong những hoạt động về đêm được ưa chuộng tại Hàn Quốc.

Cùng với xu thế du lịch chung và nhu cầu tất yếu trong cuộc sống hiện đại, các chợ đêm tại Hàn Quốc lần lượt ra đời. Bupyeong (hay Kkangtong) ở Busan là khu chợ đêm đầu tiên được mở tại xứ kim chi vào cuối năm 2013. Quy tụ rất nhiều các món ẩm thực của nhiều quốc gia như

Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... lại là khu chợ đêm mở cửa tất cả các ngày trong tuần nên Bupyeong rất đông khách, đặc biệt là vào mùa du lịch cao điểm của Hàn Quốc, mang tới nguồn thu không nhỏ cho địa phương. Sau thành công của Bupyeong, mô hình chợ đêm nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều TP khác của Hàn Quốc.

Tới thời điểm hiện tại, riêng Thủ đô Seoul đã có hàng trăm chợ đêm, phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan, ăn uống... của người dân và du khách, khiến TP này thực sự trở nên sống động lúc lên đèn.

Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) đang tiếp tục xây dựng kế hoạch thúc đẩy các chương trình du lịch đêm với sự hợp tác của chính quyền địa phương nhằm thu hút thêm nhiều khách du lịch nước ngoài và vực dậy ngành “công nghiệp không khói” sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tại châu Á, Trung Quốc là một điển hình không thể không nhắc tới trong phát triển kinh tế đêm. Từ khoảng năm 2010, các trung tâm thương mại, con phố thương mại ban đêm ở các TP lớn đã rất sầm uất.

Theo tính toán, đến cuối năm 2020, quy mô thị trường kinh tế đêm tại Trung Quốc ước đạt 2.400 tỷ USD, chủ yếu dựa vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của dịch vụ mua sắm, giải trí trực tuyến, nội dung số.

Đầu năm 2019, Bắc Kinh so với các TP ở phía Nam và phía Đông Trung Quốc là nơi có ít địa điểm mua sắm, giải trí vào ban đêm vì đa phần dừng hoạt động sau 22 giờ. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, TP này đã đi đầu trong việc “thắp sáng” kinh tế đêm, nhờ vào nhiều biện pháp như tối ưu hóa các dịch vụ giao thông công cộng, quảng bá các nhà hàng đêm, ủng hộ việc kéo dài thời gian kinh doanh...

Hà Nội xuất phát muộn hơn, ngoài các sản phẩm dịch vụ, Hà Nội đã phát huy lợi thế về kho tàng văn hóa với di tích độc đáo. Việc xây dựng sản phẩm du lịch đêm ở huyện ngoại thành không chỉ khai thác lợi thế sẵn có ở các địa phương mà còn gia tăng cơ hội và đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng cao cho người dân và khách du lịch vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm; cùng với đó, đóng góp vào việc phát triển kinh tế đêm của Hà Nội.