Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế đô thị Hà Nội dưới góc nhìn quy hoạch

TS Nguyễn Thị Diễm Hằng - TS Nguyễn Ngọc Tiệp
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế đô thị có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi đô thị, đồng thời là động lực cho phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đối với Hà Nội, có thể đánh giá kinh tế đô thị vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa tạo thành mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế TP phát triển vượt trội, trong đó có nguyên nhân từ quy hoạch và triển khai quy hoạch.

 Phố lụa Hàng Gai (ảnh chụp trước thời gian giãn cách). Ảnh: Quỳnh Anh
Nhận diện kinh tế đô thị của Hà Nội

Đối với các TP trên thế giới có tỷ lệ đô thị hóa hầu như tuyệt đối, kinh tế đô thị được hiểu là tất cả các lĩnh vực kinh tế gắn liền với TP đó. Tuy nhiên, đối với các TP có tỷ lệ đô thị hóa thấp như Hà Nội (tỷ lệ đô thị hóa khoảng 44,6%), kinh tế đô thị chỉ là một phần của nền kinh tế TP trong khi kinh tế khu vực nông thôn vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn. Vì vậy, đặt trong bối cảnh của Hà Nội, có thể hiểu kinh tế đô thị chính là các vấn đề kinh tế của khu vực đô thị thuộc TP.

Để phát triển kinh tế đô thị hiệu quả, mỗi đô thị thường lựa chọn một số lĩnh vực kinh tế đặc thù. Nghiên cứu cho thấy, kinh tế đô thị phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm địa lý, không gian, hạ tầng của mỗi đô thị. Bên cạnh đó, các yếu tố về văn hóa, tập quán cũng quyết định sự phát triển của kinh tế đô thị.

Đối với Hà Nội, có thể dựa trên các đặc điểm sau để xác định những vấn đề kinh tế đô thị cần quan tâm phát triển. Thứ nhất, Hà Nội có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, nhiều phố nghề, phố chợ. Nhiều ngành kinh tế có mối liên quan chặt chẽ đến cảnh quan, văn hóa, lịch sử của Hà Nội đã và đang rất phát triển như du lịch, thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, dân số rất đông, tập trung cao ở khu vực nội đô lịch sử; mức sống người dân cao; số lượng người dân nhập cư rất lớn; phần lớn người dân vẫn giữ thói quen mua sắm truyền thống tại cửa hàng, đặc biệt là các mặt hàng dân sinh.

Thứ hai, là nơi đặt trụ sở của các DN lớn nhất cả nước, đặc biệt với lĩnh vực tài chính, ngân hàng; có hạ tầng viễn thông thuộc nhóm tốt nhất cả nước. Hơn nữa, đây là nơi hội tụ của các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, có lực lượng trí thức lớn, có lực lượng lao động trẻ, giỏi nhất cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; các ngành kinh tế số, kinh tế ứng dụng cách mạng công nghiệp phát triển.

Thứ ba, với đặc điểm là Thủ đô của cả nước, là trung tâm tăng trưởng của khu vực phía Bắc, Hà Nội có lợi thế so sánh về giá trị đất đai so với các địa phương khác. Tuy nhiên, cũng do vai trò là Thủ đô, phát triển kinh tế đô thị của Hà Nội đòi hỏi các điều kiện nghiêm ngặt về tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, tiết kiệm tối đa diện tích sử dụng đất.

Từ những đặc điểm trên, Chương trình công tác số 03-Ctr/TU “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” của Thành ủy Hà Nội đã xác định các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên phát triển kinh tế đô thị của Hà Nội là: Thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, bưu chính - viễn thông, tư vấn pháp lý, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ... và các dịch vụ đô thị.

Quy hoạch chưa tối ưu

Mặc dù chỉ chiếm 12,7% diện tích nhưng thu ngân sách từ 12 quận và thị xã Sơn Tây chiếm 41% toàn TP (trong đó chủ yếu là phần thu ngoài thu từ đất); là nơi đóng trụ sở của 80% DN; tạo ra hàng trăm ngàn việc làm; đồng thời góp phần tiêu thụ chủ yếu lượng lương thực từ ngoại thành... Tuy nhiên, có thể đánh giá, kinh tế đô thị Hà Nội vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa tạo thành mũi nhọn để thúc đẩy kinh tế Hà Nội phát triển vượt trội.

Nguyên nhân có nhiều nhưng dưới góc nhìn quy hoạch, có thấy được một số hạn chế như: Việc tăng diện tích đô thị như Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đã xác định, còn rất chậm trong giai đoạn vừa qua. Trong khi khu vực đô thị trung tâm khá nhỏ, có nhiều khu vực vốn là làng cổ với đặc điểm đường ngõ quanh co, nhỏ hẹp, diện mạo đô thị chưa đẹp, tỷ lệ diện tích mặt bằng có thể làm cửa hàng, trụ sở kinh doanh, sản xuất thấp. Những vấn đề này làm hạn chế nhu cầu ngày càng lớn trong mở rộng diện tích cho các hoạt động thương mại, kinh doanh buôn bán.

Bên cạnh đó, việc hạn chế dân cư khu vực nội đô không thành công, dẫn đến áp lực rất lớn cho hạ tầng và những hệ luỵ về kinh tế như giảm năng suất làm việc của lao động do tắc đường, sức khoẻ suy giảm vì ô nhiễm môi trường… đã xảy ra trong nhiều năm.

Ngoài ra, việc quy hoạch và triển khai quy hoạch nhằm khai thác tối đa lợi thế về một Thủ đô ngàn năm văn hiến để phát triển kinh tế đô thị chưa được thực hiện hiệu quả. Một ví dụ tiêu biểu là khu vực trung tâm TP rất thiếu những không gian công cộng, những khu đất dành cho các loại hình kinh tế khai thác lợi thế văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hà Nội...

Khi xây dựng quy hoạch, việc lồng ghép các vấn đề văn hóa, kinh tế - xã hội và phân bố không gian đô thị rất quan trọng, làm sao để đô thị hóa, phát triển các đô thị hỗ trợ tối đa cho phát triển kinh tế đô thị. Ví dụ như nhiệm vụ của quy hoạch là tạo thêm không gian, mặt bằng cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán kiểu truyền thống tại những quận lõi (việc cải tạo, chỉnh trang ngõ phố, tạo ra các khu dân cư đẹp, độc đáo để xây dựng mô hình cửa hàng kinh doanh trong ngõ có thể là giải pháp tốt để tăng diện tích kinh doanh tại phố cổ, phố cũ). Tăng thêm không gian công cộng để tạo điều kiện cho các mô hình kinh tế mới phát triển dựa trên khai thác giá trị văn hóa, lịch sử như kinh tế đường phố, kinh tế đêm… Quy hoạch các khu vực có hạ tầng công nghệ thông tin vượt trội để tạo điều kiện tối đa nhất cho phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, các đại siêu thị, ngành công nghiệp công nghệ cao…

Một vấn đề cần đặc biệt quan tâm là quy hoạch để tối ưu hóa nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế đô thị, đặc biệt đất đai tại khu vực trung tâm. Phải làm thế nào để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, tiếp tục là lợi thế của Hà Nội, bên cạnh lợi thế về các ngành ứng dụng công nghệ cao.
Hà Nội đang đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ lớn về quy hoạch, đó là xây dựng quy hoạch TP và rà soát, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây là cơ hội lớn để tạo điều kiện cho phát triển kinh tế đô thị. Do vậy, một số vấn đề cần lưu ý đó là: Xác định những lĩnh vực kinh tế đô thị ưu tiên trong những năm tới dựa trên những lợi thế của Hà Nội. Từ đó xây dựng phương án quy hoạch cho các lĩnh vực kinh tế đô thị; phương án quy hoạch về đô thị, khu vực phát triển, các lĩnh vực hạ tầng… để tạo điều kiện cho kinh tế đô thị phát triển.
TS Nguyễn Thị Diễm Hằng - TS Nguyễn Ngọc Tiệp, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội