Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội 2012: Vượt qua thách thức

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Năm 2012 đã khép lại với không ít thách thức, khó khăn với nền kinh tế Việt Nam. Trong khó khăn chung đó, kinh tế Hà Nội cũng chịu những ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, năm 2012 cũng đã ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Ghi nhận những nỗ lực

Với mức tăng trưởng đạt 8,1%, thấp hơn kế hoạch năm là 10 - 10,5%, kinh tế Hà Nội ghi nhận một năm phát triển trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế. Số lượng đăng ký thành lập các doanh nghiệp mới giảm đáng kể. Cả năm 2012 có 15.000 doanh nghiệp mới với số vốn 83.000 tỷ đồng, bằng 90% số doanh nghiệp và 70% vốn đăng ký so với năm 2011. Trong khi đó, có trên 12.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động (bằng 11,4% số doanh nghiệp đang hoạt động)… Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của kinh tế trong nước và quốc tế , kinh tế Thủ đô bộc lộ một số hạn chế, yếu kém: Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động hoặc giải thể, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, tiến độ triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm…

Tuy nhiên, năm 2012 cũng ghi nhận những nỗ lực không nhỏ của Thành phố trong việc thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Hà Nội đã ứng 376 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ các mặt hàng thiết yếu, tổ chức 700 điểm bán hàng bình ổn giá và gần 2.000 điểm bán hàng quản lý giá, trong đó có trên 50% điểm bán hàng tại các khu vực ngoại thành, xa trung tâm thành phố… Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thành phố đã bố trí 100 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp; kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ trong việc đình, giãn, hoãn thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo đúng quy định... Kết quả, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm chế, CPI bình quân cả năm tăng 8,57% so năm 2011; tổng lượng hàng hóa lưu chuyển và dịch vụ tiêu dùng tăng 18,8%, trong đó bán lẻ tăng 18,3%; Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10,3 tỷ USD, tăng 5,3%, trong đó xuất khẩu tăng 6,8%; nhập khẩu đạt trên 23,5 tỷ USD, giảm 7% so năm 2011; Thu hút đầu tư xã hội đạt 222.500 tỷ đồng, tăng 13,2%; Khối lượng thực hiện các dự án đầu tư đạt 22.616 tỷ đồng; Giá trị giải ngân ước đạt 22.342 tỷ đồng, bằng 97%.

Kinh tế Hà Nội 2012: Vượt qua thách thức - Ảnh 1

Phân xưởng đóng gói bánh kẹo tại Công ty Bánh kẹo Hải Hà, Hà Nội. Ảnh: Hà Thái

Năm 2012, Thành phố đã đầu tư và hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng 5 cầu vượt kết cấu nhẹ tại các nút giao Chùa Bộc - Thái Hà; Láng Hạ - Thái Hà; Láng Hạ - Lê Văn Lương, đường Láng - Nguyễn Chí Thanh và cầu vượt nút giao Nam Hồng (Đông Anh), góp phần cải thiện tình hình giao thông đô thị.

Việc xây dựng nông thôn mới (NTM) được thành phố quan tâm triển khai. Đến nay, đã có 19/19 huyện lập xong đề án xây dựng NTM; 100% xã lập xong đề án xây dựng NTM và đang lập quy hoạch… 4 xã điểm xây dựng NTM đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, đó là: Thụy Hương (Chương Mỹ), Song Phượng (Đan Phượng); Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì); Có 34 xã đạt 14 - 18 tiêu chí, 80 xã đạt 10 - 13 tiêu chí…

Năm qua, thành phố đã triển khai các chương trình hợp tác phát triển với 32 tỉnh, thành phố (trong đó có 10 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng; hỗ trợ quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa tổng cộng 110 tỷ đồng; huy động các doanh nghiệp Hà Nội hỗ trợ các địa phương 60 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội.

Nhiều giải pháp vượt qua thách thức

 Để vững bước khắc phục những khó khăn, nâng cao phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong năm 2013, Thành phố đã đề ra rất nhiều các giải pháp như: Thường xuyên gặp mặt các doanh nghiệp để trao đổi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng; xác định những giải pháp căn bản để giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ đầu ra; Tháo gỡ khó khăn lãi suất ngân hàng, xử lý nợ xấu, ưu tiên tín dụng và ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho vay, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu. Đặc biệt, Thành phố sẽ siết chặt hệ thống tiền tệ, ngân hàng, ngăn chặn "vòng luẩn quẩn" lãi suất và giải quyết vay nợ...

Mặc dù kinh tế dự báo tiếp tục khó khăn, nhưng Hà Nội vẫn luôn kỳ vọng thắng lợi với quyết tâm mới, phấn đấu thực hiện mục tiêu năm 2013, tốc độ tăng tổng sản phẩm từ 8 - 8,5%, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển từ 15 - 6,5%, tăng giá trị xuất khẩu 9 - 10%, thu ngân sách ước đạt gần 160.000 tỷ đồng… Mục tiêu, giải pháp tổng quát được thành phố đặt ra là: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu kinh tế tăng trưởng cao hơn, đảm bảo an sinh xã hội. Hà Nội sẽ đẩy mạnh quy hoạch, tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm và xây dựng nông thôn mới. Điểm đáng chú ý nhất, năm 2013 được Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính." Vì vậy, thành phố sẽ có nhiều gói giải pháp, nhiều đổi mới và quyết liệt trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm, nhũng nhiễu, tắc trách, gây phiền hà cho nhân dân.