Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội đang dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng

Thủy Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cùng với công tác phòng, chống dịch, TP luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. GRDP 6 tháng đầu năm của TP đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý 3 tăng trưởng âm 6,89%), quý 4 tăng 6,69% và GRDP cả năm của TP là 2,92%.

Sáng nay, 7/12, tại phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XVI, thay mặt UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành ; phòng chống dịch và triển khai các chính sách hỗ trợ đối tượng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ; việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022. 
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày báo cáo tại Kỳ họp. 
Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Báo cáo tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết: UBND TP đã quán triệt thực hiện có hiệu quả Chủ đề công tác năm 2021: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Trong chỉ đạo, điều hành các công việc thường xuyên, UBND TP đã tiếp nhận và tổ chức triển khai thực hiện: gần 16.000 văn bản của T.Ư; trên 2.100 văn bản của Thành ủy; gần 400 văn bản của HĐND TP (trong đó có gần 40 Nghị quyết là về các cơ chế, chính sách quan trọng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh). 
UBND TP đã tiếp nhận và xử lý theo thẩm quyền trên 39.000 văn bản, kiến nghị, đề xuất của các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các quận, huyện, thị xã; gần 2.000 hồ sơ thủ tục hành chính một cửa liên thông; tiếp nhận và trả lời trên 3.900 kiến nghị, phản ánh, đề xuất của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp. 
UBND TP, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo, ban hành 30.204 văn bản quản lý nhà nước, lãnh đạo UBND TP đã chủ trì gần 600 cuộc họp để chỉ đạo giải quyết các công việc thường xuyên; trực tiếp đi kiểm tra cơ sở và chủ trì hơn 329 hội nghị tại cơ sở để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo xử lý các vụ việc bức xúc dân sinh. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Tập thể UBND TP luôn quán triệt thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị theo đúng quy chế, quy trình, quy định. 
UBND TP đã chỉ đạo triển khai 352 cuộc thanh tra (gồm 167 cuộc theo kế hoạch và 185 cuộc đột xuất); đã kết luận 219 cuộc tập trung ở các lĩnh vực: quy hoạch, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý tài chính, tài sản công; thực hiện quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng,... Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi 16,7 tỷ đồng, kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với 43 tập thể và 87 cá nhân; tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và xử phạt 53 tỷ đồng đối với các trường hợp vi phạm hành chính.
Triển khai tiêm bao phủ vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, trong khi đó, đặc thù của TP là đầu mối giao thương đi lại của cả nước và quốc tế, là nơi có mật độ dân số cao, là nơi tập trung của nhiều trường đại học, cao đẳng, nhiều bệnh viện (đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối của Trung ương)... do đó, nguy cơ và rủi ro đối với dịch bệnh luôn ở mức rất cao.
TP Hà Nội đã chủ động, khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu trên hết, trước hết là sức khỏe, an toàn của Nhân dân, đồng thời luôn duy trì, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng,trong đó, tập trung triển khai 3 nhóm nội dung trọng tâm.
 Toàn cảnh Kỳ họp. 
Trong báo cáo trước HĐND TP, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Thành phố đã thực hiện truy vết, xét nghiệm thần tốc, xử lý ổ dịch trên địa bàn nhằm sàng lọc F0 (đợt cao điểm nhất là từ 08/9-15/9 đã xét nghiệm gần 4.200.000 mẫu) với việc huy động toàn bộ lực lượng y tế trong và ngoài công lập của Thủ đô, huy động sinh viên các trường cao đẳng, đại học cùng lực lượng hỗ trợ của 12 tỉnh phía Bắc. Thực hiện việc phong tỏa, cách ly theo phương châm “phong tỏa hẹp, quản lý chặt” và từng bước chuyển trạng thái theo chủ trương của T.Ư để đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, kịp thời, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, gắn với lộ trình mở cửa nền kinh tế.
Triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng trên địa bàn TP với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Bình quân mỗi ngày trong chiến dịch đã tiêm được 420.000-550.000 mũi, ngày cao điểm nhất đã tiêm trên 600.000 mũi. Đến nay, đã có gần 6,2 triệu người (tương ứng 94,2% người dân từ 18 tuổi trở lên) được tiêm mũi 1 (trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 50 tuổi là 87,8%), trên 5,5 triệu người (tương ứng 84,6% người dân từ 18 tuổi trở lên) được tiêm mũi 2 (trong đó tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người trên 50 tuổi là 82,3%). Đồng thời, ngay sau khi có hướng dẫn của T.Ư, TP đã xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi gắn với thực hiện lộ trình cho học sinh đến trường. Đến nay, TP đã triển khai tiêm bao phủ cho 92,2% trẻ em từ 15-17 tuổi và 41,4% cho trẻ em từ 12-14 tuổi.
Xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, từ cấp Thành phố đến cấp cơ sở, với phương châm người dân là chiến sỹ là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch, TP đã thành lập 4.573 tổ Covid cộng đồng với 29.540 nhóm Covid cộng đồng tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở. Cùng với đó, Thành phố tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống y tế trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng năng lực thu dung, điều trị trong các tình huống. 
Thành phố đã xây dựng phương án điều trị tại các bệnh viện và cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng quy mô 50.000 giường; phê duyệt phương án đáp ứng oxy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh. Triển khai mô hình trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị F0 tại cộng đồng) đến từng xã, phường, thị trấn, chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự, trang thiết bị, thuốc, vật tư; ban hành hướng dẫn cách ly y tế đối với F1 và F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà đáp ứng công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.
GRDP cả năm của TP Hà Nội tăng 2,92%
“Cùng với công tác phòng, chống dịch, Thành phố luôn chú trọng thực hiện nhiệm vụphát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải nói. Đồng thời cho biết, Kinh tế của Thủ đô đã dần phục hồi, duy trì đà tăng trưởng sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong quý 3. Theo cập nhật mới nhất từ Tổng Cục thống kê, GRDP 6 tháng đầu năm của TP đạt 6,02%; 9 tháng đạt 1,44% (do tác động của dịch bệnh, GRDP quý 3 tăng trưởng âm 6,89%), quý 4 tăng 6,69% và GRDP cả năm của Thành phố là 2,92%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiểm soát và điều hành theo kế hoạch, dự kiến tăng khoảng 1,9-2,4%. 

Một số lĩnh vực phục hồi tốt sau thời kỳ giãn cách xã hội: Sản xuất công nghiệp, xây dựng (trung bình 6 tháng đầu năm đạt 7,64%; quý 3 là - 6,79%; quý 4 đạt 8,04% và ước cả năm đạt 3,85%); dịch vụ (trung bình 6 tháng đầu năm đạt 5,87%; quý 3 là – 7,66%; quý 4 đạt 6,84% và ước cả năm đạt 2,71%); sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (đạt 3,46%),... đóng vai trò quan trọng thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid19.

 Quang cảnh Kỳ họp HĐND TP khóa XVI.

Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện là 255.089 tỷ đồng, đạt 108,3% dự toán Trung ương giao, đạt 101,5% so với dự toán HĐND Thành phố giao. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 84.734 tỷ đồng, đạt 87,2% dự toán trung ương giao, trong đó chi đầu tư phát triển là 38.887 tỷ đồng (đạt 84,3% dự toán Thành phố giao và đạt 93,3% dự toán trung ương giao), chi thường xuyên là 45.437 tỷ đồng (đạt 95,9% dự toán). Cân đối ngân sách được giữ vững.Công tác quản lý điều hành tài chính, ngân sách chủ động, linh hoạt, hiệu quả; các cấp, các ngành của Thành phố đã chủ động điều chỉnh, tiết giảm các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cấp bách (với tổng số tiền qua 3 đợt tiết giảm là gần 2.700 tỷ đồng) để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và chi đầu tư phát triển.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ. TP có trên 25.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký khoảng 345 nghìn tỷ đồng. 

TP đã thành lập “Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021”, “Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do Covid-19”; thực hiện Kế hoạch tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng (các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 10: số vốn huy động tăng 8,4% so với 31/12/2020; dư nợ cho vay tăng 10,4%. Doanh số cho vay qua NH chính sách xã hội đạt khoảng gần 4.700 tỷ đồng với trên 111 nghìn lượt khách hàng);ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh,Thành phố đã tổ chức 02 Hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trong nước. Thực hiện gia hạn, miễn, giảm trên 25,6 nghìn tỷ đồng cho khoảng 212,84 nghìn lượt doanh nghiệp, người nộp thuế.

Đến nay, TP đã hỗ trợ cho trên 5,1 triệu lượt người dân, hộ kinh doanh với số tiền hỗ trợ là trên 6.000 tỷ đồng; trong đó, MTTQ các cấp của Thành phố đã hỗ trợ trên 966 tỷ đồng. Ngân sách Thành phố tiếp tục bổ sung 500 tỷ đồng vào nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP để hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi… Đã hỗ trợ, giải quyết việc làm cho trên 160 nghìn lao động; hỗ trợ học nghề cho trên 1.200 người; tổ chức 160 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được trên 10.000 lao động. Trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 57.000 người.

Thành phố tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như tuyên truyền phòng, chống Covid-19.Triển khai quét mã QRCode, khai báo y tế điện tử; thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4; triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn Thành phố (đã có trên 99% tổ chức, doanh nghiệp thông báo phát hành hóa đơn điện tử).... Nhờ đó đã đảm bảo tiến độ công việc trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh. Thành phố đã hoàn thành và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch về CNTT trong giai đoạn 2021-2025: phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử, Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng.

Công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực

Thành phố đã hoàn thành phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử (với tổng diện tích 2.710ha) và 1 đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung, 02 đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị, 19 đồ án đang thẩm định...

Hạ tầng đô thị tiếp tục được quan tâm, phát triển, tổ chức giao thông đảm bảo an toàn, thông suốt. Thành phố đã nhận bàn giao và vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; triển khai 97 dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông; mở mới 14 tuyến xe buýt; bổ sung 17 điểm, di chuyển 9 điểm dừng xe buýt... Đã hoàn thành 6 dự án nhà ở thương mại, 2 dự án nhà ở xã hội, 05 dự án tái định cư. Tiếp tục triển khai,hưởng ứngchương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh với gần 300.000 cây xanh các loại, trong đó có trên 100.000 cây đô thị;...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cũng chỉ ra quá trình thực hiện các nhiệm vụ của năm 2021 vẫn còn một số tồn tại hạn chế như trong các báo cáo đã nêu như: công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn chưa được kịp thời, còn lúng túng; công tác tổ chức triển khai phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa bàn đôi khi còn bị động, chưa quyết liệt; tâm lý chủ quan, lơ là của một số bộ phận cơ quan, đơn vị, người dân trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là khi đã được tiêm vaccine phòng Covid19; hệ thống y tế, nhất là y tế cấp cơ sở cần tiếp tục được tăng cường; do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, một số chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch đầu năm đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp;...

Công khai minh bạch các thông tin quản lý, điều hành 

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, cùng với việc thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, UBND TP đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2022 với những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, UBND TP sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp, trọng tâm là thực hiện công khai, minh bạch các thông tin quản lý, điều hành, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của TP, triển khai đồng bộ, thông suốt hệ thống văn phòng điện tử từ cấp TP đến các cấp cơ sở gắn với lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, từng bước hình thành chính quyền số, phát triển đô thị thông minh.

 Các đại biểu tham dự Kỳ họp. 

TP tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của T.Ư, Chính phủ và Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid19 trên địa bàn TP và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chủ động xây dựng, cập nhật và triển khai các kịch bản phòng, chống dịch bệnh tương ứng với các cấp độ dịch và thường xuyên đánh giá, công bố kịp thời để người dân và doanh nghiệp chuyển đổi trạng thái các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp.

Đảm bảo tốt các điều kiện khám chữa bệnh; quan tâm đầu tư hệ thống bệnh viện điều trị tích cực và nâng cao tuyến y tế cơ sở, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, tăng cường ứng dụng công nghệ mới và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành y tế Thủ đô. Phát huy vai trò của các cơ sở y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch.

TP cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục tận dụng có hiệu quả các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất kinh doanh gắn với triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó: triển khai đồng bộ, kịp thời các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế của T.Ư và TP; tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; thực hiện miễn giảm thuế, phí; các chính sách hỗ trợ người lao động; hỗ trợ tìm kiếm, mở rộng thị trường và kênh phân phối sản phẩm, kết nối tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tổ chức lại sản xuất; đơn giản hóa các thủ tục hành chính;... Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ, thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối. 

Thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách. Quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngày từ đầu năm; đồng thời tháo gỡ khó khăn đối với các dự án ngoài ngân sách, tạo điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư từ người dân và doanh nghiệp, đa dạng hóa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thực hiện bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Tiếp tục rà soát, quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các ngành, lĩnh vực; khai thác tối đa dư địa phát triển ngành thông tin và truyền thông; phát triển các dịch vụ tư vấn trực tuyến; thương mại điện tử, tài chính số... Cùng với đó, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cũng đề cập đến giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập và tích hợp các quy hoạch chuyên ngành của Thành phố vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; triển khai thực hiện Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và hoàn thành xây dựng Chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2040. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, các trục xuyên tâm, kết nối liên vùng; đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải, logistics.Duy trì cấp nước sạch đô thị, đảm bảo thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, hạ ngầm cáp viễn thông, điện lực. Triển khai thực hiện Đề án khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đôn đốc xây dựng và hoàn thành, đưa vào hoạt động các khu xử lý chất thải rắn, các nhà máy điện rác...