Động lực phát triển Vùng kinh tế
Hà Nội luôn giữ vị trí đầu tàu, nguồn động lực phát triển kinh tế khu vực và cả nước. Là TP lớn thứ 17 trên thế giới, tương ứng bằng 21,2% và 1% về diện tích; 41,7% và 8,1% về dân số Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách Nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu; 29,77% và 10,77% kim ngạch nhập khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Hà Nội là trung tâm thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động trên địa bàn trong giai đoạn 2008 - 2022 là gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hằng năm 11,04%; trong đó, vốn khu vực ngoài Nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 54,8%. TP Hà Nội hiện chiếm khoảng 1/3 tổng số DN đang hoạt động trên cả nước; đồng thời, luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về thu hút vốn nước ngoài, với trên 4.500 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 33 tỷ USD từ 97 quốc gia và vùng lãnh thổ (lũy kế đến hết năm 2022). Các DN FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các DN, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và khoảng 16% GRDP của TP...
Hà Nội không chỉ là nơi đóng trụ sở của các bệnh viện tuyến T.Ư của cả nước, mà còn là trung tâm thương mại bán buôn và bán lẻ lớn nhất khu vực phía Bắc, trung tâm tài chính - ngân hàng và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao hàng đầu của cả nước. Với trên 2.000 điểm giao dịch của hơn 400 tổ chức tín dụng đang hoạt động trên địa bàn, Hà Nội thu hút và cấp khoảng gần 1/3 tổng nguồn vốn huy động và cho vay tín dụng của cả nước, với trên 50% vốn huy động được điều tiết hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phuơng khác, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xóa đói, giảm nghèo và ổn định trật tự xã hội chung của đất nước.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được T.Ư giao. Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hằng năm 11,04%. Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước.
Hạ tầng thương mại của TP Hà Nội ngày càng phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại và văn minh thương mại, thu hút nhiều hệ thống phân phối lớn của các nước (Aeon, Lotte, MM Mega Market; Fujimart…) và các DN phân phối hàng đầu của cả nước (Winmart, Coop Mart…) với 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ truyền thống, trên 2.000 cửa hàng tiện ích; 1.872 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; 164 chuỗi kinh doanh an toàn kết nối với 12 tỉnh, TP phía Bắc; trên 60 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 600 website thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử...
Đặc biệt, với du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2022, tổng khách du lịch đến
Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt (bằng 21,4% mục tiêu năm 2025). Ước tính cả năm 2023 tổng khách du lịch đến Hà Nội sẽ trên 20 triệu lượt người.
Hà Nội còn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 DN công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Hiện thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống.
Việc hợp tác, liên kết với các địa phương trong phát triển kinh tế thể hiện sự hấp dẫn, kết nối và lan tỏa kinh tế của Thủ đô cũng ngày càng được mở rộng về phạm vi và quy mô, đa dạng và mật thiết hơn cả theo kênh DN, cũng như các sở, ngành chức năng. TP đã ký các văn bản hợp tác chính thức với hàng chục tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trên cả nước và thực hiện nhiều chương trình hợp tác toàn diện, nhất là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối đầu mối đồng bộ, trong đó có nhiều dự án liên vùng, như: đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân, Quốc lộ 3 Hà Nội – Thái Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nhà ga Hàng không T2 Nội Bài, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và nhất là đường Vành đai 4…
Tại "Hội nghị hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ năm 2016" do TP Hà Nội tổ chức, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 14 tỉnh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang tập trung vào các lĩnh vực: xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải rắn, cấp thoát nước…
Tháng 10/2023, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của 2 TP, đóng góp vào sự nghiệp chung xây dựng và phát triển đất nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội của 2 địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Hà Nội và hầu hết các địa phương khác trong Vùng và trên cả nước, thường xuyên thực hiện nhiều hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, đầu tư và kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, xây dựng các chuỗi cung ứng, quảng bá, giới thiệu thành tựu, tiềm năng, môi trường đầu tư; trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm thế mạnh, tiêu biểu, đặc trưng của TP Hà Nội và các tỉnh, TP thuộc khu vực và cả nước, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm
Việt Nam tại thị trường Hà Nội nói riêng và thị trường trong nước, xuất khẩu nước ngoài nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và cả nước. Tiêu biểu như “Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp Vùng Đồng bằng sông Hồng với các DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" năm 2022 với sự tham gia của 200 nhà cung ứng từ hơn 40 tỉnh, TP trong cả nước, các Hiệp hội, tổ chức, DN trên địa bàn TP Hà Nội. “Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề” được tổ chức từ ngày 18 đến 21/5/2023 tại Hà Nội, với hơn 100 gian hàng từ 25 tỉnh, TP trong cả nước về giống, vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề và khu trưng bày giống, vật tư, hoa, cây cảnh tham gia. Việc thúc đẩy DN đầu tư liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và kết nối cung cầu hàng hóa chính là cầu nối vững chắc, đưa hàng hóa của Hà Nội đến với Vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và ngược lại.
Hà Nội cũng có nhiều hoạt động hợp tác với các địa phương trên lĩnh vực văn hóa, thể thao; giáo dục và đào tạo; y tế; thông tin và truyền thông; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng, quản lý đô thị; bảo vệ môi trường; công nghệ thông tin và chuyển đổi số; giao thông vận tải; hỗ trợ việc làm, bảo đảm an sinh xã hội ...
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế
Sức hút kết nối và lan tỏa của Thủ đô còn vượt ra khỏi biên giới quốc gia vì Thủ đô Hà Nội là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng, như Hiệp hội các TP lớn trên thế giới, mạng lưới các TP lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21), mạng lưới chính quyền địa phương Citynet… Hà Nội có quan hệ hợp tác hữu nghị với gần 100 Thủ đô, TP của 50 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, TP các nước. Đặc biệt, đang hợp tác chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả với 35 Thủ đô, TP của các nước khu vực Á, Âu, Mỹ.
94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài là những “cánh tay nối dài” của đất nước và của DN Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng tại các địa bàn. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, những chương trình hỗ trợ các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, an sinh xã hội cho các địa phương Lào, Campuchia đã trở thành một hình thức giao lưu mới, làm sâu sắc hơn tình đoàn kết giữa Hà Nội và hai quốc gia láng giềng.
Sức hấp dẫp, kết nối và lan tỏa của Thủ đô Hà Nội tiếp tục được củng cố qua kết quả hoạt động năm 2023: Theo ước tính của UBND TP Hà Nội, TP cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, đạt 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra của năm 2023 (có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch, là giảm số hộ nghèo, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý và số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm), với GRDP tăng 6,11%; đầu tư xã hội tăng 9%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài gần 2,9 tỷ USD, tăng 62,0%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 10%; lượng khách du lịch trong nước và quốc tế dự kiến vượt mục tiêu đề ra; có gần 26.500 DN thành lập mới, tăng 6%. Thu ngân ngân sách Nhà nước trên địa bàn hơn 400 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20,0% so với năm 2022; kim ngạch xuất khẩu ước 17,3 tỷ USD, tăng 1,0%; kim ngạch nhập khẩu ước 44,2 tỷ USD, tăng 8,0%...
Sức hấp dẫn, kết nối và sức lan tỏa kinh tế của Hà Nội đang và sẽ ngày càng gia tăng cùng với quá trình phát triển kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và kết quả điều chỉnh, triển khai một loạt quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô, cũng như Luật Thủ đô (sửa đổi) trong thời gian tới cùng với định hướng chiến lược phát triển Hà Nội thành TP thông minh, trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao và công nghệ cao hàng đầu Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn chung trên phạm vi cả nước và toàn cầu, tất cả những kết quả trên là rất đáng khích lệ, trực tiếp và gián tiếp góp phần vào thành quả chung bảo đảm cân đối vĩ mô và tạo động lực tăng trưởng chung của vùng và cả nước, để Việt Nam vẫn được coi là điểm sáng trong bức tranh chung kinh tế toàn cầu cả năm 2022 và năm 2023.
Nhằm tiếp tục củng cố và phát huy vị thế và trách nhiệm Thủ đô, Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tổng quát: thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; hạ tầng số và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng TP thông minh; phấn đấu đạt tăng trưởng GRDP tăng khoảng 6,5 - 7,0%; CPI dưới 4%; GRDP/người khoảng 160 - 162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5 -11,5%; giảm 300 - 400 số hộ nghèo; dự kiến số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 408.547 tỷ đồng, cao hơn dự toán Thủ tướng Chính phủ giao 17 tỷ đồng, tăng 2% so với ước thực hiện năm 2023.
Đồng thời, để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung triển khai 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, tăng cường cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PARIndex, SIPAS... Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) và triển khai thực hiện sau khi được duyệt.
Về tổng thể, nỗ lực kết nối và lan tỏa vị thế Thủ đô, trên tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", luôn là điểm nhấn thống nhất trong chủ trương, chỉ đạo, điều hành và thực tiễn hành động của tất cả các thế hệ lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng DN trên địa bàn Thủ đô, nhằm phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác phát triển, xây dựng Thủ đô ngày càng “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, xứng đáng với niềm tin của cả nước hiện tại và trong tương lai...