Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội năm 2022: Đà phục hồi bền vững

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Thủ đô ghi nhận đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ và toàn diện trong suốt cả năm 2022, nhất là từ đầu quý II/2022.

Những con số phục hồi ấn tượng

Sự phục hồi thể hiện rõ nét ở sự gia tăng lượng vốn đầu tư xã hội, lượng DN đăng ký mới, quay trở lại hoạt động và tăng trưởng các hoạt động kinh tế trên địa bàn. Dự kiến, Hà Nội hoàn thành cả 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch: Tăng trưởng GRDP (đạt 8,8% so với kế hoạch là 7 - 7,5%); GRDP/người (đạt 142,3 triệu đồng, kế hoạch là 139 - 141 triệu đồng); Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện (đạt 13,8%, kế hoạch là 10,5%); Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (đạt 11,9%, kế hoạch là 5%); Giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 38,8%, kế hoạch là 20%).

Cơ cấu GRDP năm 2022 chia theo khu vực
Cơ cấu GRDP năm 2022 chia theo khu vực

Theo Tổng cục Thống kê, ước tăng trưởng kinh tế trên địa bàn cả năm 2022 sẽ đạt từ 8,8 - 9,0%, với GRDP quý sau tăng cao hơn quý trước. Cụ thể, GRDP quý I/2022 tăng 5,2%; quý II tăng 8,1%; quý III tăng tới 15,71%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 9,69% - là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vẫn duy trì mức tăng cao hơn trung bình cả nước (8,83%).

Các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn đã phục hồi mạnh mẽ, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2022 tăng 10,9% (năm 2021 giảm 5%; năm 2020 tăng 2,7%).

Tổng doanh thu vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng gần 50%; khách trong nước đến Hà Nội (có lưu trú) tăng hơn 65,1%); khách quốc tế (có lưu trú) tăng gấp 4,3 lần. Đặc biệt, lần đầu tiên Hà Nội được đề cử giải thưởng “Điểm đến du lịch TP hàng đầu châu Á năm 2022” tại Lễ trao giải thưởng "World Travel Awards 2022", làm giàu thêm bộ sưu tập các giải về du lịch trong nước và quốc tế của Thủ đô văn hiến ngàn năm.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước cả năm 2022 tăng 8% (năm 2021 tăng 4,8%; năm 2020 tăng 4,7%). Các sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của TP tiếp tục khởi sắc, với tổng cộng khoảng 50 hồ sơ đang được xem xét công nhận.

TP tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản phẩm nông nghiệp; duy trì và nâng cấp 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc thực phẩm (check.hanoi.gov.vn) với hơn 11.441 bộ mã truy xuất nguồn gốc đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Sự phục hồi cũng thể hiện tập trung ở sự cải thiện các chỉ số về tài chính và thương mại. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Dự kiến đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 4,81 triệu tỷ đồng, tăng 13,16% và tổng dư nợ hơn 2,96 triệu tỷ đồng, tăng 14,52%.

Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát còn khoảng 1,89%; hiện 100% DN, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (đủ điều kiện theo quy định) triển khai hóa đơn điện tử. Kim ngạch xuất khẩu ước cả năm 2022 đạt 17,34 tỷ USD, tăng 11,9% (năm 2021, tăng 2,18%). Kim ngạch nhập khẩu ước cả năm 2022 đạt 40,26 tỷ USD, tăng 15% (năm 2021 tăng 20,6%).

Sự phục hồi còn được thể hiện qua các nỗ lực triển khai các hoạt động xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở y tế, di tích cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia và cấp TP), tăng thêm số trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Các hoạt động văn hóa, thể thao đã khởi động trở lại. Các di tích thu hút lượng lớn khách thăm quan.

Hơn 600 buổi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp được tổ chức thành công, doanh thu trên 8,1 tỷ đồng. Hoạt động dạy học trực tiếp được khôi phục từ tháng 3/2022 cho các khối lớp từ 7 - 12; từ ngày 6/4/2022 cho các khối lớp 1 - 6 và từ ngày 13/4/2022 đối với trẻ mầm non và trung tâm giáo dục thường xuyên. Hà Nội là đơn vị đứng đầu về số lượng đạt giải kỳ thi chọn Học sinh giỏi quốc gia năm 2022…

Cuối cùng, sự phục hồi cũng được phản ánh qua kết quả công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được cải thiện; dịch bệnh trên người được kiểm soát; an toàn thực phẩm được tăng cường. Năm 2022, TP chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19 với hơn 2,6 triệu lượt đối tượng, kinh phí gần 2.660 tỷ đồng.

Hỗ trợ theo chính sách riêng của TP cho 8 nhóm đối tượng với 297.140 người, số tiền 315,65 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà cho 420.280 lượt lao động với số tiền 220,4 tỷ đồng. Lao động đã được hỗ trợ giải quyết làm vượt mục tiêu kế hoạch. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm đạt kế hoạch đề ra. Lượng người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc tiếp tục tăng gần 7%...

Nỗ lực và đồng bộ giải pháp hỗ trợ

Những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng DN và Nhân dân. TP đã triển khai một loạt chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tập trung vào thực hiện tốt chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm, hạ lãi suất vay mới; tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý cho DN.

Đồng thời phối hợp với một số tỉnh, TP trên cả nước tổ chức các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu và kích cầu tiêu dùng, khôi phục các hoạt động thương mại, dịch vụ. Thực hiện tốt các giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, với CPI trung bình cả năm 2022 dưới 4%.

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phối hợp giải quyết thủ tục hành chính liên thông. Hà Nội cũng nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, trong đó, tập trung cải thiện các chỉ số thành phần làm các chỉ số PCI và PAR Index giảm bậc; đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn.

Đồng thời, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ và công tác kê khai, kiểm tra, xác minh tài sản thu nhập theo quy định. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng các điển hình tiên tiến, mô hình mới, nhân tố mới, đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đặc biệt, TP tăng cường các hoạt động kinh tế đối ngoại, như tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư quốc tế; tiếp đón và trao đổi các đoàn công tác nước ngoài, đoàn khách đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, DN nước ngoài; ký kết văn kiện hợp tác với các địa phương, như với Hội đồng vùng Ile-de-France (Pháp) và Chính quyền Thủ đô Viêng-chăn (Lào)…

Sự thành công trong năm 2022 là đáng ghi nhận, tự hào, đang và sẽ tạo đà cho Thủ đô Hà Nội tiếp tục phấn đấu hoàn thành kế hoạch đặt ra cho năm 2023, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội chung của vùng cũng như cả nước.

 

Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, ước cả năm 2022 tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 468.000 tỷ đồng, tăng 13,8% (năm 2021 giảm 0,8%) và bằng khoảng 39% GRDP; có khoảng 30.000 DN thành lập mới (tăng 25%). Lũy kế tổng số DN đăng ký thành lập trên địa bàn TP đạt 351.000 DN với khoảng chục nghìn DN hoạt động trở lại (tăng khoảng 3%).