Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội nỗ lực vượt khó

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức của năm 2023, TP Hà Nội đã nỗ lực vượt khó, kinh tế duy trì tăng khá.

Củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng

Kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2023 cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó các chỉ tiêu vượt kế hoạch gồm: giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 34.4% - kế hoạch là 30%); thu ngân sách đạt cao vượt 13,5% dự toán, tổng thu ước 400.421 tỷ đồng, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi đảm bảo an sinh xã hội. TP Hà Nội tích cực thực hiện kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế và tu bổ, tôn tạo di tích. Kết quả thực hiện dự kiến hết năm 2023 hoàn thành 1.005 công trình (382 cấp TP dự án; 623 cấp huyện).

Hà Nội đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ. Ảnh minh hoạ
Hà Nội đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ. Ảnh minh hoạ

GRDP dự kiến cả năm 2023 ước tăng 6,27%. Đây là kết quả đáng kích lệ, mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân cả nước, quý sau cao hơn quý trước. 

Ngay từ đầu năm, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế trong nước và Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài cũng như hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế cần phải khắc phục.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu của Hà Nội năm nay suy giảm chủ yếu do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu giảm tại một số thị trường quan trọng. Ước năm 2023, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,3 tỷ USD, tăng 1% (năm 2022 tăng 10,3%); Kim ngạch nhập khẩu đạt 44,17 tỷ USD, tăng 8% (năm 2022 tăng 11,6%).

Năm nay, thương mại, dịch vụ của Hà Nội tăng trưởng 2 con số. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát (1,51%), thấp hơn khá nhiều mức chung của cả nước (3,2%).

11 tháng năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký vào Hà Nội ước đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng 77,1% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp đăng ký thành lập duy trì tăng (đến tháng 12/2023, Hà Nội có 29.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 291.300 tỷ đồng, tăng 5% về số doanh nghiệp). Du lịch Thủ đô đã có sự phục hồi, phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để đạt được kết quả trong bối cảnh khó khăn, TP đề ra nhiệm vụ những  tháng cuối năm như tăng tốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân tối đa nguồn vốn đầu tư công. Tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.

Củng cố, nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tập trung rà soát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giảm thuế, phí đất đai, xúc tiến thương mại.

Tăng cường các biện pháp quản lý tốt thị trường, giá cả những tháng cuối năm; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa. Thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm chế biến, nông sản, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, TP nâng cao chất lượng điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch; Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, hợp tác liên kết du lịch; Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ngành Du lịch Thủ đô…

Để thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và thương mại điện tử, Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 dự án trung tâm thương mại lớn; thúc đẩy phát triển các loại hình kinh doanh hiện đại như máy bán hàng tự động tại các khu vực công cộng; đề xuất xây dựng mô hình outlet trên đường Nhật Tân -Nội Bài với diện tích khoảng 39,45ha; vận hành gian hàng số trên sàn thương mại điện tử. Tập trung thành lập, xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư các cụm công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công; phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực…

Đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế số

Định hướng phát triển đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, “Xanh - Thông minh - Thịnh vượng” và là TP kết nối toàn cầu.

Kế hoạch năm 2024 TP đặt mục tiêu GRDP tăng 6,5 - 7%; GRDP/người 160-162 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5-11,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4-5%; kiểm soát chỉ số giá dưới 4%; giảm 300-400 số hộ nghèo...

Trên thực tế, năm 2023 còn nhiều khó khăn và có thể tiếp tục ảnh hưỏng kéo dài sang năm 2024, như tốc độ tăng trưởng chưa như kỳ vọng; xuất khẩu chậm lại, sản xuất của một số ngành công nghiệp, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, sức mua thị trường nội địa suy giảm, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tăng thấp so với mức tăng cùng thời điểm năm trước và mục tiêu đề ra…

Do đó, việc phát triển các mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn trong thời gian tới sẽ góp phần quan trọng để Hà Nội đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên.

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực vận tải để quản lý, theo dõi hoạt động kinh doanh vận tải của các đơn vị vận tải ngày càng phổ biến, như việc ứng dụng kết nối công nghệ thông tin đến hành khách của các đơn vị kinh doanh xe hợp đồng, xe du lịch, xe tải,..

Mô hình kinh tế chia sẻ còn xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, như chia sẻ không gian làm việc (coworking space), hoạt động logistics, hoạt động du lịch, hoạt động truyền thông, dịch vụ y tế - giáo dục, nông nghiệp, lao động việc làm,...

Kinh tế ban đêm đã xuất hiện từ lâu ở Hà Nội và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Với lợi thế sẵn có cũng như đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, phát triển kinh tế ban đêm sẽ là xu hướng tất yếu của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, bán dẫn… làm nền tảng cho phát triển. Phát triển mạng lưới kinh doanh thương mại, hệ thống chợ, thương mại - dịch vụ, thương mại điện tử, hoạt động logistics; kết hợp giữa kinh doanh truyền thống với kinh doanh trên môi trường mạng. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng; thanh toán không dùng tiền mặt…

Cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng TP thông minh…