Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Hà Nội phục hồi rõ nét hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả thực hiện các chỉ tiêu quý I năm 2015 của TP Hà Nội đạt mức khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,6%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 9,5%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 11,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 4,3%...

Tăng trưởng tích cực

GRDP quý I của Hà Nội tăng khá so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước. Điểm nhấn về chỉ tiêu này của Hà Nội thể hiện trên 3 khía cạnh. Thứ nhất là nhóm ngành dịch vụ tăng 7,9%, cao hơn tốc độ tăng chung và cao nhất trong 3 nhóm ngành. Điều này là phù hợp với vị thế thủ đô, phù hợp với sự phát triển của thế giới, nhất là nhiều nước đã có tỷ trọng lên tới 70 - 80% GDP. Thứ hai là nhóm ngành nông, lâm sản và thuỷ sản đã tăng trưởng khá cao, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chung của cả nước. Điều này vừa phù hợp với vai trò của nhóm ngành này - bệ đỡ của nền kinh tế - phù hợp với vùng nông thôn rộng lớn của Hà Nội. Ở khía cạnh thứ ba, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt được tốc độ tăng tương đối khá. Đó là những tín hiệu để tăng trưởng cao hơn trong quý sau khi thị trường bất động sản đã bắt đầu ấm lên, khi 10 đề xuất, kiến nghị của TP trong 5 nhóm vấn đề (tài chính - ngân sách, hỗ trợ DN, đầu tư phát triển, quy hoạch đô thị, tổ chức bộ máy) đang được Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu đáp ứng.
Kinh tế Hà Nội phục hồi rõ nét hơn - Ảnh 1
Vốn đầu tư phát triển so với cùng kỳ năm trước tăng khá và cao hơn tốc độ tăng của cả nước (tăng 9,5% so với tăng 9,1%). Tăng trưởng vốn đầu tư cao hơn đạt được ở khu vực ngoài nhà nước (tăng 13% so với tăng 10,8%). Tốc độ tăng số DN đăng ký thành lập mới của Hà Nội cao hơn của cả nước (tăng 7,51% so với tăng 3,8%), với số vốn đăng ký cũng tăng cao hơn (tăng 37,4% so với tăng 13,5%). Số DN tạm ngừng hoạt động của Hà Nội giảm 6,46%, trong khi của cả nước tăng 14,2%.

Không ít thách thức

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (TMBL) đã loại trừ yếu tố giá tăng 11,2%, cao gần gấp rưỡi tốc độ tăng GRDP và cao hơn tốc độ tăng tương ứng của cả nước (9,2%). Điều đó chứng tỏ 2 mặt. Một mặt thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư cao lên. Mặt khác, hoạt động thương mại, dịch vụ có tiến bộ, đặc biệt việc bán hàng ổn định giá được quan tâm cả về lượng hàng, loại hàng, địa điểm bán bán hàng, thời gian thực hiện.

CPI sau 4 tháng giảm, tháng 3 đã tăng và tính chung 3 tháng đầu năm 2015 tăng 0,65%, trong khi của cả nước giảm 0,1%. Trong khi đó, xuất khẩu của Hà Nội quý I đạt 2,67 tỷ USD, tăng 4,3%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 4,6%. Hà Nội là một trong 6 địa bàn quý I đạt trên 1 tỷ USD. Nhập khẩu đạt 5,77 tỷ USD, có tốc độ tăng thấp hơn của cả nước (7,1% so với 16,3%).

Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của Hà Nội cao hơn của cả nước cả về luân chuyển hành khách (11,5% so với 5%) và luân chuyển hàng hoá (12,4% so với 2%). Về cơ bản, vận tải đã đáp ứng được nhu cầu vận chuyển của nhân dân và DN.

Công tác thu, chi ngân sách của Hà Nội đạt kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quý I đạt 46,32 ngàn tỷ đồng; nếu không kể khoản thu cổ tức và lợi nhuận còn lại DN nhà nước, thì thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 38,1 ngàn tỷ đồng, đạt 26,9% dự toán năm. Đây là tín hiệu khả quan để hoàn thành dự toán năm, tạo điều kiện để cân đối ngân sách địa phương (quý I đạt cao hơn và phần thu đạt cao hơn phần chi). Đó là các con số khá cao so với của cả nước.

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng kinh tế Hà Nội hiện cũng còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Một số chỉ tiêu tiến độ đạt còn thấp so với mục tiêu cả năm (tốc độ tăng GRDP 9 - 9,5%, xuất khẩu tăng 8 - 9%...). Thực hiện vốn đầu tư khu vực nhà nước (theo Tổng cục Thống kê) đạt khá so với kế hoạch (19,1%), nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 3,1%). FDI thực hiện của Hà Nội giảm (1,4%), trong khi của cả nước tăng khá (10,7%). Xuất khẩu tăng thấp hơn của cả nước (4,3% so với 6,9%). Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng thấp hơn của cả nước (toàn ngành là 7,7% so với 9,1%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,6% so với 9,6%); chỉ số tồn kho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo còn cao hơn (14% so với 10,9%)...