Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Italy tại thời điểm tổng tuyển cử

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo thống kê chính thức vừa được công bố, GDP của Italy sụt giảm 2,2% năm 2012. Nền kinh tế này đã rơi vào vùng âm trong 6 quý liên tiếp vừa qua - đánh đấu một đợt suy thoái dài nhất trong vòng 20 năm.

Tương lai của kinh tế Italy và cái giá về mặt xã hội của giải pháp "thắt lưng buộc bụng" đang bị đặt lên bàn soi xét, trong bối cảnh hơn 47 triệu cử tri Italy đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử (diễn ra từ ngày 24 đến 25/2).

Cuộc bỏ phiếu lần này là rất quan trọng đối với Italy giữa lúc Rome đang phải nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nợ công.

Đáng lưu ý là hôm 22/2, khi vận động tranh cử, ông Silvio Berlusconi đã cam kết nếu giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử, ông sẽ trích 4 tỷ euro (khoảng 5,3 tỷ USD) từ tài sản cá nhân để hoàn lại khoản thuế bất động sản (IMU) mà người dân Italy đã phải nộp trong năm 2012. Chủ trương vận động tranh cử hàng đầu của phe trung hữu lâu nay là bãi bỏ thuế IMU.
 
Kinh tế Italy tại thời điểm tổng tuyển cử - Ảnh 1
Cử tri Italy đi bỏ phiếu. (Nguồn: AP)
 
Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao cuộc tuyển cử ở Italy và lo ngại rằng một chính phủ và thủ tướng mới có thể làm suy yếu hoặc thậm chí phá hỏng những cải cách về kinh tế và cắt giảm ngân sách được thực thi trong 15 tháng cầm quyền của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Monti. Đặc biệt, bộ máy mới có thể sẽ ảnh hưởng tới cơ hội đưa Italy thoát khỏi một thập niên tăng trưởng thấp.

Những lo ngại này không phải là không có căn cứ. Trong một thập niên qua, kinh tế Italy chỉ tăng trưởng trung bình chưa đầy 0,5%/năm, trong khi con số này ở các nước công nghiệp giàu có là 1,25%. GDP của Italy cần tăng mạnh hơn để làm nhẹ bớt gánh nặng nợ nần của nước này. Tổng nợ của Chính phủ Italy lên đến 1.898 tỷ euro trong năm 2011, tương đương 120,1% GDP. Hiện Italy xếp ngay sau Hy Lạp - nước có tỷ nợ/GDP cao nhất Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Với "tầm vóc" của nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone (sau Đức và Pháp) và là một thành viên sáng lập của đồng tiền chung châu Âu, những khó khăn của Italy có thể làm suy giảm lòng tin của toàn khu vực. Tâm lý nghi ngờ về khả năng của Italy trong việc giải quyết núi nợ công khiến các thị trường từng đặt câu hỏi liệu đồng euro có thể sống sót trong năm 2011-2012.

Trước khi gia nhập đồng euro, Italy thường hỗ trợ tăng trưởng bằng cách hạ giá đồng nội tệ lire, khiến hàng hóa xuất khẩu của nước này trở nên rẻ hơn. Đồng nội tệ yếu giúp che dấu các "lỗ hổng" lớn của nền kinh tế, chẳng như luật lao động có nhiều bất cập (vốn triệt tiêu triển vọng việc làm của những người trẻ), thuế doanh nghiệp cao, và tệ quan liêu...

Các chuyên gia kinh tế Norbert Aul và James Ashley thuộc RBC Capital Markets nhận định Italy cần cải cách mạnh mẽ về cơ cấu để thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện đường đi của tăng trưởng. Trong 12 năm qua, xếp sau Italy về sức tăng trưởng kinh tế chỉ có Zimbabwe, San Marino, và Bồ Đào Nha. Hai chuyên gia này cảnh báo bất cứ đảng nào lên cầm quyền ở Italy, cũng cần phải ưu tiên giải quyết những điểm yếu của nền kinh tế.

Theo thống kê chính thức vừa được công bố, GDP của Italy sụt giảm 2,2% năm 2012. Nền kinh tế này đã rơi vào vùng âm trong 6 quý liên tiếp vừa qua - đánh đấu một đợt suy thoái dài nhất trong vòng 20 năm. Chính phủ Italy dự báo GDP nước này ước giảm 0,2% năm 2013, sau đó sẽ đạt mức tăng 1,1% năm 2014 và 1,3% năm 2015.

Thâm hụt ngân sách của Italy năm 2011 ở mức 3,9% GDP, và theo thống kê, tỷ lệ lạm phát của Italy đạt 2,8% năm 2011. Tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,1 điểm phần trăm lên mức cao kỷ lục 11,2% trong tháng 12/2012, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 15-24 giảm nhẹ xuống 36,6%. Mức lương thực nhận trung bình của người lao động năm 2011 là 1.410 euro/tháng.

Là nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới về GDP, Italy chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ tâp trung ở khu vực miền trung và phía Bắc đất nước. Italy "mạnh" về thời trang, thiết kế, đồ nội thất, xe hơi, nông nghiệp, khai thác kim loại, và một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất tại Liên minh châu Âu (EU)./.