Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế là gốc hay văn hoá tinh thần là gốc?

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/10, tại phiên chất vấn Quốc hội đã diễn ra phần tranh luận khá sôi nổi của các đại biểu liên quan đến ngành văn hóa.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện
Trong phần chất vấn, đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (đoàn Nghệ An) nêu câu hỏi về trách nhiệm và giải pháp hạn chế sự xuống cấp của đạo đức lối sống.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Đây là một câu hỏi rất quan trọng, rất khó và có thể nói là để thực hiện được nó thì rất lâu dài.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân thì có nhiều. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề trên Bộ đã tham mưu và Trung ương đã ban hành Nghị quyết 33 xây dựng và phát triển văn hóa con người vào năm 2014. Sau khi có nghị quyết đã triển khai tổ chức thực hiện.
Trong 2 năm qua, Bộ đã ban hành nhiều nghị định liên quan đến chấn chỉnh quản lý lễ hội, xét danh hiệu gia đình văn hóa, làng văn hóa, ấp văn hóa và tổ chức hội nghị sau 18 năm để tổng kết công trình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Một giải pháp nữa là đẩy mạnh xây dựng đạo đức lối sống thông qua xây dựng môi trong văn hóa, đời sống văn hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, các sinh hoạt văn nghệ, hoạt động cộng đồng…
Bên cạnh đó, ngành chú trọng phát huy thế mạnh của văn học nghệ thuật vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức văn hóa lối sống, đề cao vai trò giáo dục đạo đức dân tộc, hướng con người đến chân thiện mỹ…
Theo người đứng đầu ngành văn hóa, giải quyết vấn đề trên cần xuất phát từ cái gốc là kinh tế, nếu giải quyết mà bỏ kinh tế sang một bên thì không xử lý được.
"Chỗ này có thể nói là rất khó, dù cấp bách trăn trở nhưng nếu để một ngành văn hóa và một số ngành khác loay hoay thế này, kinh phí ít thì không thể làm ngay được", Bộ trưởng Thiện phân trần.
Trong phần tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) nói: Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển văn hóa và thay đổi đạo đức xã hội cần kinh tế. “Phú quý sinh lễ nghĩa” nhưng tiền không thể mua được văn hóa, không thể mua được đạo đức xã hội. Trước đây chúng ta còn nghèo, chúng ta rất khó khăn nhưng đạo đức xã hội được duy trì và văn hóa rất tốt.
Bây giờ chúng ta thoát nghèo, nhưng nền tảng đạo đức xã hội đang xuống cấp một cách trầm trọng. Vậy đâu là nguyên do? Nguyên do đầu tiên, muốn có đạo đức, nhân cách thì hình thành từ gia đình. Bố mẹ là tấm gương cho các con.
Thứ hai, đào tạo thầy cô chính là tấm gương cho học trò. Tiên học lễ, hậu học văn, chúng ta học quá nhiều văn mà không quan tâm đến lễ, chúng ta học quá nhiều chữ, trước khi dạy các em, các cháu thành người. Theo đại biểu, đây chính là những lý do sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, đây là vấn đề tranh luận thú vị, xem kinh tế là gốc hay văn hoá tinh thần là gốc, và đề nghị Bộ trưởng trả lời bằng văn bản cho đại biểu.
Mặc dù không tranh luận lại với đại biểu Tuấn nhưng Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện giơ bảng để giải thích thêm phần trả lời của mình.
Theo Bộ trưởng: Từ trước đến nay, cứ nói đến đạo đức là các cơ quan nói đã giao cho ngành Văn hoá và các ngành xã hội rồi. Với quan điểm như thế, cứ vứt ra và bảo đó là việc của các anh, hãy làm đi" như vậy vấn đề xuống cấp đạo đức này còn chưa khắc phục được.
Việc này cần cả xã hội vào cuộc. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội đến trước hết từ các ngành kinh tế nên phải xử lý ở các ngành kinh tế. Vậy nên cứ giao cho Bộ Văn hoá loay hoay thì không giải quyết được.
Bộ trưởng dẫn chứng, sự đầu tư của các địa phương dành cho ngành văn hoá rất thấp. Ví như kinh phí cấp cho việc bảo tồn di tích văn hoá, 3 năm qua chỉ vỏn vẹn 7,3 tỷ đồng.