Kinh tế - một năm thoát đáy và vượt dốc

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm Quý Tỵ - năm con Rắn, tăng trưởng "trườn bò" thoát đáy. Năm Giáp Ngọ - năm con Ngựa, tăng trưởng vượt dốc đi lên. Phải chăng đây là trạng thái tăng trưởng từ Quý Tỵ sang Giáp Ngọ?

Kinh tế đã “thoát đáy” tăng trưởng?

Năm 2012, tăng trưởng kinh tế rơi xuống đáy của 13 năm tính từ năm 2000, khi GDP chỉ tăng 5,25%, thấp hơn tốc độ năm 2009, là năm bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới trăm năm mới có.

Năm 2013, tăng trưởng kinh tế có xu hướng cao lên qua các quý và cả năm  tăng trên 5,4%, tuy chưa đạt được chỉ tiêu (tăng 5,5%), nhưng đã đạt được mục tiêu tổng quát (tăng trưởng cao hơn). Tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ vừa cao hơn tốc độ tăng của năm trước, vừa cao hơn tốc độ tăng của toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù tăng trưởng của hai nhóm ngành kinh tế thực (nông, lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng) vẫn còn thấp hơn tốc độ của mấy năm trước; mặc dù tốc độ tăng của năm nay cao hơn không nhiều so với tốc độ tăng của năm trước, nhưng đã cao hơn. Điều đó chứng tỏ tăng trưởng kinh tế năm 2013 đã ở trạng thái "thoát đáy".

Việc "thoát đáy" tăng trưởng của năm 2013 càng có ý nghĩa, khi đạt được trong điều kiện phải tập trung ưu tiên cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Cũng do vậy mà năm 2013 đạt được mục tiêu kép (vừa lạm phát thấp hơn, vừa tăng trưởng cao hơn). Để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, nhiều giải pháp đã được đề ra và thực hiện. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Tăng trưởng tín dụng tuy không còn mang dấu âm đến hết tháng 5 như năm trước và tăng nhanh hơn trong vài tháng cuối năm, nhưng tính chung cả năm vẫn còn là một trong 3 năm tăng thấp chỉ bằng trên một phần ba so với hàng chục năm trước đó. Tỷ giá tiếp tục được ổn định, vừa để kiềm chế lạm phát, vừa để hạn chế tình trạng đô la hóa…

 
Giao dịch tín dụng tại Chi nhánh Vietinbank Chương Dương. Ảnh: Trần Việt
Giao dịch tín dụng tại Chi nhánh Vietinbank Chương Dương. Ảnh: Trần Việt
Việc "thoát đáy" tăng trưởng kinh tế của năm 2013 do nhiều nguyên nhân ở cả đầu vào và ở cả đầu ra. Ở đầu vào, đã có sự nới lỏng cả về tài chính, cả về tiền tệ. Về tài chính, nhiều khoản thu nộp ngân sách đã được cắt giảm, giãn hoãn; bội chi ngân sách vượt dự toán và so với GDP đã được nâng từ 4,8% lên 5,3%. Về tiền tệ, lãi suất cho vay đã được giảm xuống, nhất là các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nhiều khoản đã ở mức trước 2006; tốc độ tăng nợ xấu đã chậm lại nhanh; tăng trưởng tín dụng đã cao lên nhanh trong những tháng cuối năm. Ở đầu ra, sự tăng lên ở cả tiêu thụ trong nước, cả ở xuất khẩu. Đối với tiêu thụ trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã cao lên qua các quý. Đối với xuất khẩu, đã đạt được nhiều sự vượt trội. Quy mô và tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu cao; vượt kế hoạch năm và về đích trước 2 năm kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; nhập siêu giảm mạnh… Do vậy, tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến chậm lại, hiện thấp chưa bằng một nửa so với đầu năm.

Năm 2014 kinh tế vượt dốc

Năm 2014, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao lên (5,8%). Đây là tốc độ tăng không cao, thể hiện trạng thái "vượt dốc đi lên". Trạng thái này được nhận diện dưới hai góc độ, góc độ "đi lên" và  góc độ "vượt dốc".

Ở góc độ thứ nhất, có tính tích cực, khả quan, là tăng trưởng kinh tế "đi lên". Sự đi lên của tăng trưởng này do tác động của nhiều yếu tố. Yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế là vốn đầu tư. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP theo mục tiêu cao hơn năm trước (30% so với 29,2%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có dấu hiệu khởi sắc từ cuối năm 2013, sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới để đón đầu cơ hội phục hồi kinh tế, tiêu dùng và đón đầu khả năng gia nhập TPP. Nếu giá vàng tiếp tục giảm xuống, giá USD ổn định sẽ có một nguồn vốn khổng lồ của dân cư đang bị chôn vào vàng, ngoại tệ được đưa ra để đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đồng thời làm giảm tình trạng vàng hóa, đô la hóa. Bội chi ngân sách/GDP giữ ở mức cao (5,3%). Phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ để tăng đầu tư và để trả nợ nước ngoài (để duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách ở mức 15,2% năm 2014, 20,4% năm 2015, 22,9% năm 2016).

Tuy nhiên, ở góc độ thứ hai, hàm chứa phải vượt qua khó khăn, thách thức đó là "vượt dốc". Những khó khăn, thách thức đến từ nhiều phía. Năm 2013 là năm đầu tiên không lặp lại chu kỳ lạm phát "hai năm cao, một năm thấp" thì năm 2014 có thể lạm phát sẽ cao lên; mà lạm phát cao lên thì tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Mục tiêu cũng chuyển từ "kiềm chế" lạm phát trong năm 2013 sang "kiểm soát" lạm phát trong năm 2014 - tức là có nới lỏng hơn. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ được tiếp tục. Giá nhập khẩu sẽ tăng khi nền kinh tế thế giới hồi phục. Tỷ giá VND/ngoại tệ dự  báo sẽ tăng sau gần 3 năm ổn định làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND tăng "kép" (vừa tăng do giá nhập khẩu tính bằng USD tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/ngoại tệ tăng)… Vốn đầu tư/GDP tuy tăng lên nhưng không đáng kể. Tổng cầu vẫn còn yếu song còn bị 3 yếu tố cản trở. Đó là tâm lý "thắt lưng buộc bụng", "tích cốc phòng cơ" của người tiêu dùng, tâm lý "co cụm, thủ thế" của doanh nghiệp, kể cả ngân hàng. Đó là các điểm nghẽn cũ (nợ xấu, tồn kho cao, tiêu thụ thấp), việc cải thiện còn chậm. Đó là tổng cầu vốn đã yếu, lại bị giá hàng hóa, dịch vụ có tính chất độc quyền tăng lên, cùng với một số hàng hóa tăng thiếu sự kiểm soát, nhất là giá các mặt hàng: Gas, sữa, thuốc chữa bệnh…

Mặc dù phía trước, năm 2014 vẫn còn không ít thách thức, khó khăn nhưng dù sao "thoát đáy, vượt dốc đi lên" cũng là kỳ vọng từ năm Quý Tỵ sang năm Giáp Ngọ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần