70 năm giải phóng Thủ đô

Kinh tế Nam Sahara sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2014

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn vốn rót vào khu vực các nước ở phía Nam sa mạc Sahara năm 2013 đã lên tới 5,3% GDP, cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển là 3,9% GDP.

Trong báo cáo công bố ngày 7/4, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo khu vực các nước châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2014, cao hơn đáng kể so với mức tăng 4,7% năm 2013, nhờ vốn đầu tư vào lĩnh vực tài nguyên và chi tiêu tiêu dùng đều tăng mạnh.

Tuy nhiên, kinh tế khu vực này dễ bị tác động bởi những rủi ro như giá hàng hóa giảm mạnh, giá lương thực trong nước biến động và tình hình chính trị bất ổn.

Makhtar Diop, Phó Chủ tịch WB khu vực châu Phi, nhận định các mỏ dầu và khí đốt mới được phát hiện ở các quốc gia như Angola, Mozambique và Tanzania đã làm tăng nguồn vốn rót vào khu vực này, bất chấp tình trạng thiếu hụt năng lượng kinh niên và hệ thống giao thông vận tải, cơ sở vật chất nghèo nàn phần nào hạn chế tiềm năng tăng trưởng của khu vực này.
Một khu chợ ở châu Phi. (Nguồn: mastercardcenter.org)
Một khu chợ ở châu Phi. (Nguồn: mastercardcenter.org)
Theo báo cáo của WB, nguồn vốn rót vào khu vực các nước ở phía Nam sa mạc Sahara năm 2013 đã lên tới 5,3% GDP, cao hơn mức trung bình của các nước đang phát triển là 3,9% GDP.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này trong năm 2013 đã tăng 16% lên xấp xỉ mức cao kỷ lục 43 tỷ USD, nhờ các doanh nghiệp nước ngoài khai thác ở khu vực Đông Phi nơi có những mỏ khí đốt khổng lồ ở Tanzania và trữ lượng dầu mỏ lớn ở Kenya.

WB cũng lưu ý rằng mặc dù có nhịp tăng trưởng mạnh hơn so với nhiều nước đang phát triển khác trên thế giới, song các nước ở phía Nam sa mạc Sahara vẫn đối mặt với một số rủi ro đáng lưu tâm như giá hàng hóa giảm mạnh, giá lương thực trong khu vực biến động đáng kể và bất ổn chính trị dai dẳng.

Bên cạnh đó, dòng vốn chảy vào khu vực trong ngắn hạn không tránh khỏi giảm sút trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tiếp tục giảm quy mô chương trình mua trái phiếu.