Khách tìm hiểu một dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại Triển lãm sản phẩm công nghiệp 4.0. Ảnh: Công Hùng |
Lỗ hổng chính sáchHơn một thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của kinh tế nền tảng trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, hàng tiêu dùng, giáo dục, tài chính, dịch vụ hậu cần và giao hàng, bán lẻ thương mại điện tử, vận tải, du lịch… Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TDT Group Nguyễn Thế Trung cho biết, dựa trên mục đích sử dụng có thể chia kinh tế nền tảng thành hai loại, gồm: Nền tảng giao dịch (transaction platform) được sử dụng để tối ưu hóa giao dịch giữa những người tiêu dùng và người bán (Amazon, Ebay, Lazada…); nền tảng sáng tạo (innovation platform) thực hiện vai trò là nền móng phát triển nên các nền tảng kinh doanh và hình thành hệ sinh thái giữa các nền tảng thế hệ sau đó (Apple App Store, Google Play…).
Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trong năm 2019, GDP của Việt Nam đạt khoảng 300 tỷ USD, đến nay chưa có nghiên cứu chính thức về sự đóng góp của kinh tế nền tảng vào GDP. Tuy nhiên, theo nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, tỷ trọng đóng góp của kinh tế nền tảng vào tổng thể GDP không nhiều, chiếm khoảng 10%. |
Mặc dù những năm qua, Việt Nam đã có nhiều hoạt động tích cực để thích nghi với sự phát triển của kinh tế thế giới, khoa học công nghệ như chuyển đổi số, mở rộng hành lang pháp lý, cải cách các thủ tục hành chính..., nhưng sự chuyển đổi này vẫn quá chậm chạp. Điều này sẽ khiến những vấn đề tiêu cực nảy sinh nhiều hơn, quyền lợi của con người, xã hội và nền kinh tế đều chậm phát triển..
Đơn cử, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, như dịch vụ vay ngang hàng, người ta chỉ cần vào điện thoại di động để thực hiện giao dịch trong vài phút mà không cần qua ngân hàng. Năm 2020, chúng ta có thể chứng kiến đồng Libra bắt đầu hoạt động chính thức. Đây là đồng tiền kỹ thuật số mã hóa. Với 1,5 tỷ người đang sử dụng Facebook, nếu họ chấp nhận sử dụng đồng tiền này thì đồng nội tệ của nhiều quốc gia sẽ bị phá vỡ, rồi việc kiểm soát lạm phát sẽ đi về đâu? Tất cả còn là ẩn số chưa lường trước được. “Chúng ta đang đi quá chậm. Cơ quan làm chính sách quá bị động. Sự chậm trễ này sẽ gây nên tình trạng có những tổ chức, cá nhân lợi dụng lỗ hổng chính sách để tư lợi” - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Thể chế quyết định
Trong kinh tế nền tảng, Việt Nam đang phải giải quyết những vấn đề về pháp lý, an toàn an ninh mạng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin có chất lượng cũng như vướng mắc trong phát triển Chính phủ điện tử. Đơn cử, hiện nay, một số bộ, ngành đang sở hữu nhiều hệ thống dữ liệu khác nhau như đăng ký DN, DN nước ngoài, đấu thầu… Tuy nhiên, các hệ thống dữ liệu này chưa kết nối, liên thông với nhau mà chỉ chia sẻ một phần thông tin liên quan.
Theo đề án về chuyển đổi số quốc gia, năm 2025 sẽ có khoảng 50% DN kinh doanh trên nền tảng số. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều đó chưa đủ. Công nghệ có thể trở thành nền tảng chung nhưng thể chế là đặc thù của mỗi quốc gia, quyết định nền kinh tế đó có tiếp cận, vận dụng nền tảng công nghệ để phát triển hay không. Các chuyên gia kiến nghị, việc cần làm ngay là phải khơi thông “điểm nghẽn” lớn nhất chính là hành lang pháp lý. Khơi thông về chính sách, hành lang pháp lý sẽ thu hút đầu tư công nghệ số trong nhiều lĩnh vực và tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động phát triển DN công nghệ số...
Chính phủ cần nghiên cứu ban hành Luật điều chỉnh và quản lý đối với kinh tế chia sẻ tại Việt Nam. Hệ thống pháp luật sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, vừa đảm bảo môi trường thuận lợi cho phát triển, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống. Đối với các chủ thể muốn khởi nghiệp với mô hình kinh tế chia sẻ, cần có những bước chuẩn bị về nguồn cung, đào tạo nhân lực và xây dựng niềm tin để tạo dựng thương hiệu.