Kinh tế Nga cất cánh?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 22/8, một tháng sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết, Nga đã chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), chấm dứt nghịch lý một quốc gia nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất hành tinh lại phải đứng ngoài sân chơi của tổ chức này.

Con đường gia nhập WTO của Nga đã kéo dài ròng rã suốt 18 năm, nhiều hơn cả quãng thời gian 15 năm mà Trung Quốc, quốc gia nổi tiếng phải chờ lâu để hoàn thành mục tiêu của mình. Ông Dmitry Sorokin, Phó Giám đốc Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, nỗ lực của Nga sẽ được đền đáp xứng đáng, đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia phải tuân thủ theo các quy tắc giao thương do WTO thiết lập. Tư cách thành viên đầy đủ của WTO sẽ giúp Moscow được hưởng các quyền lợi về giải quyết các tranh chấp thương mại, vốn đang trở thành trở ngại đối với việc mở rộng thị phần xuất khẩu của Nga. Theo đó, gần 20 quốc gia đang áp dụng hơn 70 biện pháp hạn chế nhập khẩu hàng hóa của Nga sẽ phải bắt tay vào việc thực hiện việc dỡ bỏ các rào cản thương mại này, mở đường để các sản phẩm có dán nhãn “Made in Russia” được vào những thị trường khó tính nhất.

Kinh tế Nga cất cánh? - Ảnh 1

Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh giá việc gia nhập WTO sẽ mang lại cho Nga nguồn lợi khoảng 918 tỷ USD mỗi năm nhờ các ưu đãi về thuế quan. Bộ Phát triển Kinh tế Nga cũng khẳng định, việc dỡ bỏ các rào cản xuất khẩu sẽ góp phần tạo thêm 40.000 việc làm mới, làm giảm dần giá hàng tiêu dùng tại Nga trong vòng 3 - 5 năm tới và giảm mạnh vào thời gian tiếp theo. Bên cạnh những lợi ích ngắn hạn, gia nhập WTO cũng giúp Nga có vị thế quốc tế lớn hơn khi được trực tiếp tham gia quá trình thảo ra các quy tắc thương mại toàn cầu và thủ tục giải quyết các tranh chấp thương mại.

Tuy nhiên, việc gia nhập WTO sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế Nga khi nước này buộc phải thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ tổ chức quốc tế. Trước hết là lộ trình giảm dần thuế nhập khẩu trung bình từ 10% xuống 7,8%, giảm dần và tiến tới hủy bỏ việc nhà nước hỗ trợ một loạt ngành có khả năng cạnh tranh kém, đặc biệt là hạn chế mức hỗ trợ ngành nông nghiệp vào khoảng 9 tỷ USD/năm. Cụ thể, kể từ ngày 23/8, biểu thuế nhập khẩu hàng hóa của Nga sẽ giảm từ mức 9,6% xuống còn 7,5 - 7,8%, riêng thuế nhập các loại thuốc chữa bệnh sẽ giảm từ 15% xuống còn 6,5 - 5%. Thuế nhập khẩu máy tính các loại và hàng điện tử sẽ được giảm từ 15% xuống còn 7 - 9% trong 3 năm tới, còn trong vòng 7 năm thì Nga có nghĩa vụ giảm thuế nhập khẩu ô tô từ 25% xuống 15%. Cam kết này chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực cắt giảm thuế gặp nhiều khó khăn, thậm chí là phá sản.

Rõ ràng, việc gia nhập WTO vừa giúp kinh tế Nga cất cánh và giảm bớt sự phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt nhưng cũng có thể khiến doanh nghiệp nước này dễ bị thôn tính. Tuy nhiên, đặc thù quy mô lớn và đa dạng của nền kinh tế, các chuyên gia hy vọng Nga có thể khắc chế được “con dao hai lưỡi” này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần