Kinh tế Nga đang “lâm nguy”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn, đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa lên tiếng cảnh báo Nga nên thắt chặt chính sách tiền tệ để đối phó với tình trạng lạm phát đang gia tăng đến ngưỡng đáng lo ngại.

Đại diện của IMF tại Nga, ông Odd Per Brekk cho biết, thể chế tài chính này nhận ra tình hình lạm phát và sự tăng trưởng quá nóng của tín dụng là nguy cơ khiến kinh tế Nga đang “lâm nguy”. Theo IMF, lạm phát lõi của Nga sẽ ở mức 6,5% và có thể tăng cao hơn vào những tháng cuối năm. Dự báo này cho thấy cam kết duy trì mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 5 – 6% mà Phó Chủ tịch Ngân hàng T.Ư Nga Sergey Shvetsov đưa ra hồi đầu tháng 7 sẽ là nhiệm vụ bất khả thi. Theo ông Vladimir Osakovskiy, kinh tế trưởng Ngân hàng Merrill Lynch của Mỹ tại Moscow, nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng trưởng đột biến như hiện nay là do đồng rúp yếu. Lạm phát tăng cao chắc chắn sẽ xói mòn niềm tin của nhà đầu tư và hạn chế tiêu dùng trong nước, vốn đang chiếm khoảng 50% GDP và là động lực tăng trưởng chính của Nga. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng hàng năm của Nga đang ở mức cao, xấp xỉ 13%, phản ánh nguy cơ tiềm tàng đối với nền kinh tế. Nhất là sau đợt trợ giá kỷ lục trong năm 2011, các doanh nghiệp nước này vẫn đang tiến hành các hoạt động đầu tư, bất chấp việc nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu truyền thống bị thu hẹp và thị trường tiềm năng đang yếu đi.

Bên cạnh vấn đề lạm phát leo thang, việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 22/8 tới cũng dẫn đến những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc chủ yếu vào việc xuất khẩu nhiên liệu của Nga. Các chuyên gia cho biết, “tuần trăng mật” đánh dấu 18 năm đàm phán ròng rã gia nhập WTO sẽ nhanh chóng chấm dứt, thậm chí nếu không có phương án dự phòng, Nga sẽ rơi vào cái “bẫy” của tự do thương mại toàn cầu. Việc Moscow sẽ phải dỡ bỏ các chính sách bảo hộ và các hàng hóa nhập khẩu ồ ạt tràn vào sau khi vượt qua các rào cản về thuế quan chắc chắn sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước thiệt hại không nhỏ. Đặc biệt, việc Nga - một quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất nhì thế giới nhưng phải nhập khẩu tới 40% các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa đã phản ánh cơ cấu không bền vững của kinh tế nước này.

Mặc dù, Nga vẫn tăng trưởng GDP 3,9% trong quý II, mức khá ổn định trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, và nợ công đang đe dọa châu Âu, nhưng IMF vẫn cho rằng kinh tế nước này rất dễ bị tổn thương. Để hạ nhiệt nền kinh tế đang tăng trưởng nóng như hiện nay, Ngân hàng T.Ư Nga cần thực hiện ngay các giải pháp ngắn hạn như thắt chặt ngân sách và chính sách tiền tệ, nâng lãi suất tín dụng để các doanh nghiệp hạn chế đi vay đầu từ, giúp hạ nhiệt tăng trưởng. IMF cũng kêu gọi Nga thực hiện các cải cách cơ cấu quan trọng để tăng đầu tư và đa dạng hóa nền kinh tế bằng cách cải thiện hệ thống pháp luật, chống tham nhũng và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp.

 

 

Valid: True