Vào tháng 10, nền kinh tế Nhật Bản lần đầu tiên ghi nhận mức thâm hụt tài khoản vãng lai (giá trị của hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vượt quá giá trị của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu) sau 8 năm. Hệ quả này đến từ chi phí nhập khẩu hàng hóa hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao cũng như giá trị đồng yên giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Hôm 8/12, Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý đã giảm xuống 0,8% thay vì con số 1,1% trước đó của mức giảm trung bình hàng năm mà các nhà kinh tế đã đưa ra.
Tăng trưởng GDP giảm chủ yếu do lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng mạnh so với mức tăng hàng quý 4,5% trong quý trước.
Sự suy thoái của nền kinh tế Nhật Bản trong quý 3 bắt nguồn từ các nguyên nhân như: Rủi ro từ suy thoái kinh tế toàn cầu, dấu hiệu chững lại của nền kinh tế Trung Quốc, đồng yên suy yếu, chi phí nhập khẩu tăng cao ảnh hưởng đến tiêu dùng và doanh nghiệp.
Một số nhà phân tích cho biết nền kinh tế có thể phục hồi trong quý IV này nhờ việc nới lỏng các hạn chế đối với nguồn cung của chất bán dẫn và ô tô, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới để thúc đẩy du lịch.
Tuy nhiên, một đợt suy thoái kinh tế trên toàn cầu trong năm tới có thể sẽ giáng một đòn chí mạng vào xuất khẩu của các quốc gia châu Á, nhất là nước có nền kinh tế chủ yếu dựa vào thương mại như Nhật Bản.
“Việc nối lại du lịch trong nước cùng với các chiến dịch kích cầu nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, giúp nền kinh tế tăng trưởng trở lại trong quý IV” – theo ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin.
Ông cho biết thêm: "Tuy nhiên, trong tương lai, suy thoái kinh tế toàn cầu do lãi suất tăng ở các nước phát triển và sự sụt giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ gây áp lực lên nền kinh tế Nhật Bản, có thể tạo ra suy thoái kỹ thuật - 2 quý liên tiếp có tăng trưởng âm - trong nửa đầu năm tới.”
Trước khi được đưa vào thống kê theo năm, GDP quý 3 chỉ giảm 0,2% so với quý trước, khác với ước tính giảm ban đầu là 0,3%. Các nhà phân tích tiếp tục mong đợi một sự suy giảm tương tự như lần thống kê trước đó.
Trong số các lĩnh vực trọng yếu, tiêu dùng cá nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng khi lĩnh vực này chiếm hơn một nửa GDP Nhật Bản, bất chấp suy giảm gần đây. Ngoài ra, chi tiêu vốn và xuất khẩu cũng là những lĩnh vực không kém phần quan trọng trong việc đưa nền kinh tế Nhật Bản phát triển.
Tuy nhiên, đồng yên suy yếu và chi phí nhập khẩu đắt đỏ (nguyên nhân chính làm tăng chi phí sinh hoạt) vẫn gây ra những tổn thất lớn hơn so với những gì mà nền kinh tế này được bù đắp.
Chi phí năng lượng và các mặt hàng nhập khẩu khác ngày càng tăng đã khiến mức thâm hụt tài khoản vãng lai ở từng quý của Nhật Bản là 609,3 tỷ yên (tương đương 4,45 tỷ USD) trong tháng 10 - theo dữ liệu của Bộ Tài chính. Đây là lần thâm hụt đầu tiên kể từ tháng 3/2014.
Trước khi được điều chỉnh theo mùa, mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Nhật Bản vào tháng 10 là 64,1 tỷ yên. Đây là mức thâm hụt đầu tiên kể từ tháng 1.
Báo cáo "tankan" (khảo sát hàng tháng của các công ty hàng đầu Nhật Bản) mới nhất của Ngân hàng Nhật Bản cho thấy tâm trạng của các nhà sản xuất đang dần một tệ hơn trong ba tháng tính đến tháng 9. Những lo âu này đến từ việc tăng cao của chi phí nguyên vật liệu đang “che lấp” đi triển vọng phát triển của nền kinh tế vốn đang suy yếu này.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn cho thấy những lạc quan về phục hồi kinh tế bất chấp khó khăn mà các công ty trong lĩnh vực dịch vụ đang phải đối mặt.