Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế quý I/2021: Nhiều tín hiệu lạc quan

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Mức tăng trưởng này là tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại, ảnh hưởng nhiều mặt tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Sản xuất hàng tại Công ty TNHH Nippon Paint Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Công nghiệp chế biến, nông nghiệp - động lực tăng trưởng
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I năm 2021 do Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức sáng 29/3, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết: Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Số liệu thống kê cho thấy, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, làm giảm 0,36 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Trong khi đó, ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020, đóng góp 0,32 điểm phần trăm.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.

Ngoài ra, điểm tích cực của kinh tế quý I/2021 là khu vực dịch vụ tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, DN xuất khẩu đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Một số ngành có tăng trưởng như bán buôn và bán lẻ tăng 6,45%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,35%. Tuy nhiên, ngành vận tải, kho bãi giảm 2,17%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 4,49%.

Quý I năm 2021 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021 ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.

Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

“Kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và DN để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế” - bà Nguyễn Thị Hương nói.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới với các biến thể mới, kinh tế – xã hội được dự báo còn phải đối mặt với nhiều thách thức. "Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, DN và người dân" - đại diện TCTK đánh giá.

Cơ quan này kiến nghị cần kiểm soát tốt dịch, nhanh chóng triển khai tiêm vaccine. Ngành nông nghiệp cần điều chỉnh cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng, cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa; tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm...

Tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận nhanh các gói hỗ trợ. Cải cách quy trình, thủ tục để DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Thúc đẩy thương mại điện tử, bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới. Tận dụng các Hiệp định thương mại đã ký kết.

Một giải pháp quan trọng khác là tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Theo TCTK, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo TCTK, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản kiểm soát thành công tại Việt Nam. Đây cũng là động lực quan trọng để việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo của năm 2021.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,31% so với tháng 12/2020. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 tăng 1,16%, thấp nhất kể từ năm 2016. Tính chung quý I/2021, CPI bình quân tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.