Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế thành phố Hà Nội trên đà phục hồi mạnh mẽ

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhờ thực hiện các giải pháp thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của TP Hà Nội phục hồi nhanh, văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo.

Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Việt.
Một góc TP Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Việt.

GRDP 6 tháng đầu năm 2022 gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ

Nổi bật trong bức tranh kinh tế - xã hội Thủ đô 6 tháng đầu năm 2022 là TP đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến nay, hầu hết (99,9%) người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 tuổi đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 2, mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi). Triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.

Cân đối thu – chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 của TP là 176.901 tỷ đồng, đạt 56,8% dự toán, bằng 120,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó thu nội địa tăng 20,8% và đạt 56,7% dự toán.

GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021, gấp 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19). Xuất khẩu phục hồi mạnh, kim ngạch ước tăng 19,5% - gấp gần 5 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 4,5%).

Tổng mức bán lẻ ước tăng 21,8% - gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 7,2%); Khối lượng hàng hóa vận chuyển tăng 30,8% (cùng kỳ giảm 10,7%), doanh thu tăng 18,6% (cùng kỳ tăng 11,3%).

Đáng chú ý, do chính sách mở cửa du lịch trở lại nên khách du lịch quốc tế tăng 79,5% (cùng kỳ giảm 86,2%). Khách du lịch trong nước tăng 25,9% (cùng kỳ giảm 17,7%). Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 8,8% - cao hơn cùng kỳ (8,4%).

Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lê Nam.
Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lê Nam.

Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ. Nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội được đẩy mạnh. Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Đặc biệt, TP đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được gia trong việc tổ chức SEA Games 31. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người góp phần tổ chức thành công SEA Games 31. Đoàn thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng với 151 huy chương – chiếm 1/3 số huy chương toàn đoàn Việt Nam.

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây áp lực cho kiểm soát lạm phát

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 3,04% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ năm 2021 (tăng 0,97%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%. Trong đó, nhóm hàng giao thông tăng cao nhất – 15,3%.

Nguyên nhân chủ yếu là do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến chiến tranh tại Ukraine và cấm vận đối với Liên bang Nga; giá nhiên, nguyên liệu cho sản xuất, xây dựng và hầu hết hàng hóa tiêu dùng đều tăng.

Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh. Ảnh: Duy Khánh. 
Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Xích líp Đông Anh. Ảnh: Duy Khánh. 

Ngành công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm tăng 6,4% (cùng kỳ tăng 9,4%); GRDP ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 6,73% (cùng kỳ tăng 7,66%). Nguyên nhân khách quan do các doanh nghiệp gặp khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trong thời gian dài. Ngoài ra việc đầu tư mở rộng, sản xuất kinh doanh còn có khó khăn về mặt bằng, về vốn đầu tư…

Đáng lưu ý, số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 12%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 56%) vẫn tăng cao hơn so với số doanh nghiệp được thành lập mới (tăng 6%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp gặp khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong thời gian dài…

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước 6 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ (20%), tuy nhiên vẫn thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư

Để thúc đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội trong 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, TP sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư. Trong đó, TP đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu; phát huy hiệu quả của 6 Tổ công tác của TP về giải ngân vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa. 
Ảnh minh họa. 

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư sẽ được coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại cuối năm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Cùng với đó, TP sẽ triển khai thực hiện Kế hoạch về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 – 2023 và các năm tiếp theo. Tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách nhằm đẩy mạnh kích cầu đầu tư.

Về kiểm soát giá cả thị trường, các ngành chức năng của TP sẽ theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa và cả tình hình thời tiết để có chính sách, giải pháp kịp thời bảo đảm cân đối cung – cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, điều hành bình ổn giá phù hợp, phấn đấu kiểm soát chỉ số giá dưới 4%.

Ngoài ra, bám sát động thái chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, chủ động dự báo biến động của thị trường để có giải pháp thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu bền vững, nhất là cân đối về xăng, dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa cao điểm nắng nóng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát, TP tập trung cơ cấu lại kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới, đẩy nhanh phát triển các lĩnh vực dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, vận tải…Phát triển mô hình kinh tế ban đêm, đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch. Thúc đẩy doanh nghiệp logistics đổi mới, sáng tạo, cung ứng chuỗi dịch vụ logistics ở mức độ 3, mức độ 4 hướng đến mức độ 5, logistics điện tử. Hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật 5 cụm công nghiệp đã khởi công; triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của TP…Cùng với đỏ, đảm bảo tốt các điều kiện khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh mùa hè; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm…

Trong công tác quản lý về quy hoạch, đất đai, trật tự xâu dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, TP ban hành và thực hiện quy định về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn TP; phấn đầu toàn thành công tác kiểm định và lập quy hoạch các nhà chung cư đợt 1…

TP sẽ tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án cấp nước sạch nông thôn tại các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Thường Tín, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Ba Vì; hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch khu vực nông thôn đạt 85%. Cùng với đó, đảm bảo Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động ổn định; đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy điện rác Seraphin, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.