Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Thủ đô năm 2023: Nhiều điểm sáng tích cực

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế 5 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm lại. Nhiều nguyên nhân được nêu ra gắn liền với bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục phức tạp, chưa có tiền lệ, vượt dự báo, gây khó khăn, tạo áp lực lớn lên chỉ đạo điều hành...

Hoạt động sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  
Hoạt động sản xuất thiết bị điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng  

Duy trì động lực tăng trưởng

Trong bối cảnh đó, kinh tế Thủ đô không tránh khỏi ảnh hưởng, khiến nhiều hoạt động kinh tế suy giảm, như: Sản xuất máy móc, thiết bị giảm 30,8%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 6,8%; dệt giảm 5%; sản xuất trang phục giảm 4,9%. Chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp giảm 3,8% (khu vực Nhà nước giảm 1,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 7,4%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 1,5%). Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 14.900 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 28,9% kế hoạch năm 2023.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 6,8 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4,3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,9 tỷ USD, giảm 5,9%. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 14,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 11,8 tỷ USD, giảm 13,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,7 tỷ USD, giảm 15%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, toàn TP giải quyết việc làm cho 85.800 lao động, đạt 52,9% kế hoạch năm và giảm 11,5%.

 

Hà Nội cần phát huy tính chủ đạo và định hướng của T.Ư, tính chủ động, linh hoạt của địa phương, người dân, DN, lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; phấn đấu đạt mục tiêu Chỉ số cải cách hành chính xếp trong nhóm 8 tỉnh/TP đứng đầu cả nước, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đạt tối thiểu 89%, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả đúng và trước hạn đạt 100%...

Tuy nhiên, về tổng thể, thực tế cũng ghi nhận nhiều nỗ lực và thành quả tích cực trong phát triển kinh tế Thủ đô, nổi bật là sự duy trì động lực tăng trưởng và nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khá ấn tượng. Trong 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,1% (sản xuất đồ uống tăng 23,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 21,5%; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 21,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại tăng 10,1%...); đàn trâu tăng 3,6%; lợn tăng 4,3%; đàn gia cầm tăng 2,8%; sản lượng thịt trâu hơi xuất tăng 6,1% và thịt bò tăng 0,1%; thịt lợn tăng 8,2%; sản lượng trứng gia cầm tăng 0,6%; tổng sản lượng thủy sản đạt 45.500 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội có hơn 13.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 125.900 tỷ đồng, tăng 8% về số DN, dù giảm 17% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; có 1.500 DN giải thể, giảm 5%; 12.600 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 22%; 4.600 DN hoạt động trở lại, giảm 22%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 307.600 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu hút khách quốc tế ước đạt gần 1.255.000 lượt người, gấp 7,9 lần cùng kỳ năm trước và thu hút khách du lịch nội địa ước đạt 623.000 lượt người, tăng 19,3%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 202.000 tỷ đồng, đạt 57,2% dự toán pháp lệnh năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội ước tính đạt 4.959.000 tỷ đồng, tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 2,17% so với thời điểm kết thúc năm 2022. Ước đến cuối tháng 5/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP đạt 3.042 nghìn tỷ đồng, tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,25% so với thời điểm kết thúc năm 2022. Các TCTD tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu. Tính đến cuối tháng 5/2023, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,89% trong tổng dư nợ và 2,1% tổng dư nợ cho vay.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,16% so với tháng trước, giảm 0,04% so với tháng 12/2022 và tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Như vậy, có thể thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, kinh tế Thủ đô đã chứng tỏ nội lực và sức chống chịu hiệu quả trước các khó khăn. Đồng thời, là một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh và góp phần tích cực vào duy trì sự ổn định vĩ mô và động lực tăng trưởng chung cho nền kinh tế đất nước.

Người tiêu dùng mua hàng tại BRG Hapro Thành Công. Ảnh Thanh Hải
Người tiêu dùng mua hàng tại BRG Hapro Thành Công. Ảnh Thanh Hải

Triển vọng và giải pháp

Những kết quả trên là hội tụ các nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị cùng cộng đồng DN và người dân với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội vì cả nước - Cả nước vì Hà Nội”. TP đã tập trung chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP, đạt nhiều kết quả tích cực: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích; xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và quản trị điện tử; nâng cao trách nhiệm cá nhân và giải trình với người dân. Đổi mới công tác quản lý và tuyên truyền, quảng bá du lịch; tạo điều kiện cho các DN và cá nhân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn...

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều phức tạp, khó lường; kinh tế Việt Nam nói chung và trên địa bàn Thủ đô nói riêng tiếp tục chịu tác động kép cả từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài lẫn những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm... Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, vừa phải tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh.

 

Hà Nội dẫn đầu 50 tỉnh, TP trên cả nước trong thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.864 triệu USD vốn FDI (cấp mới 146 dự án với số vốn đạt 48 triệu USD; 71 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 200 triệu USD; 141 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần đạt 1.616 triệu USD), chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước và tăng gấp gần 2,7 lần cùng kỳ.

Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Kết luận của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, tư tưởng chỉ đạo trong Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...

Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại giữa các ngành và nội ngành, đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn, tổ chức tốt việc lựa chọn, hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực và OCOP gắn với phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông thôn trên địa bàn TP.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp hướng đến những ngành nghề có ưu thế, tiềm năng dựa trên đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển công nghiệp phụ trợ; ưu tiên đầu tư dịch vụ có giá trị gia tăng và tính liên kết ngành cao như tài chính, logistics, thương mại điện tử… Chuyển đổi, hình thành các khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh...

Phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm (trong đó có Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội) và phát triển các dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao. Phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch bền vững; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương.

Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ DN đa dạng hóa và mở rộng thị trường; đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khai thác thị trường nội địa và phát triển thương hiệu Việt. Triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế VAT và gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN, tiền sử dụng đất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho DN; cải thiện lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn, hài hòa lợi ích trong hoạt động tín dụng, bảo đảm an toàn, bền vững cho hệ thống tín dụng trước áp lực nợ xấu, nợ khó đòi ngày càng gia tăng. Đẩy mạnh kết nối các DN trong nước với các DN FDI, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 16/8/2022 về việc hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; thực hiện tốt Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 2/3/2023 về khắc phục những hạn chế trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong các quy định về phòng cháy, chữa cháy, kiểm định xe cơ giới, kinh doanh xăng dầu. Hoàn thiện cơ chế về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh khi thực thi công vụ. Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội theo tinh thần "Tiền hô hậu ủng", "Nhất hô bá ứng", "Trên dưới đồng lòng", "Dọc ngang thông suốt", bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, kịp thời phát hiện bất cập, những vấn đề mới phát sinh, có phản ứng chính sách linh hoạt, phù hợp, hiệu quả...

Với những nỗ lực của các cơ quan, DN và người dân trên tinh thần phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có nhiều căn cứ để kỳ vọng Hà Nội sẽ đạt 22 chỉ tiêu, 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 118 nhiệm vụ cụ thể đã phân công cho các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã... của cả năm đã đề ra. Qua đó góp phần mạnh mẽ để Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất khu vực năm 2023.

Đồng thời tiếp tục xây dựng và củng cố vị thế Hà Nội là Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, an ninh, quốc phòng, trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo… của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng...

 

Nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội những tháng cuối năm là cùng với cả nước nỗ lực vượt khó và thiết thực hỗ trợ DN, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là hợp tác công tư, trong đó thực hiện các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư công, quản lý tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”. Ưu tiên tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; tạo điều kiện cho người dân, DN mở rộng đầu tư, kinh doanh.

Theo đó, cần phối hợp hoàn thiện và phê duyệt các Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan T.Ư tổ chức tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và linh hoạt phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

 

Kinh tế Thủ đô năm 2023: Nhiều điểm sáng tích cực - Ảnh 1