Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế Thủ đô vượt khó, tạo đà tăng tốc

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng DN và Nhân dân Thủ đô.

Duy trì động lực, kết quả tăng trưởng tích cực

Ngay từ đầu năm, trước dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế Hà Nội và cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức từ các yếu tố tác động tiêu cực bên ngoài cũng như hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đồng hành cùng cả nước, Hà Nội đã nỗ lực vượt khó, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, với tinh thần sâu sát, quyết liệt theo phương châm 3 “rõ”: rõ quy trình giải quyết, tiến độ, chất lượng, hiệu quả công việc; rõ thẩm quyền, trách nhiệm; rõ kết quả kiểm tra, đôn đốc, xử lý người đứng đầu trong thực thi công vụ. Cùng với đó đa dạng hóa và kết hợp hài hòa các nguồn lực Nhà nước, tư nhân, trong nước, nước ngoài… để phát triển kinh tế - xã hội.

Nhờ đó, TP đã ghi nhận nhiều kết quả kinh tế nổi bật, đạt cao hơn mức chung cả nước ở hầu hết các chỉ tiêu và hoàn thành 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho năm 2023, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Theo Cục Thống kê Hà Nội, GRDP 2023 của TP ước tính tăng 6,27%. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với bình quân chung của cả nước, quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, GRDP bình quân đầu người ước đạt 150 triệu đồng/người/năm. Tăng trưởng đồng đều ở cả 3 khu vực kinh tế, với khu vực dịch vụ ước tính tăng 7,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2023 ước tính tăng 5,29%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,74%.

Kinh tế Thủ đô vượt khó, tạo đà tăng tốc  - Ảnh 1

Động lực tăng trưởng được duy trì và bổ sung từ tất cả các nguồn, trong đó vai trò các nguồn nội lực ngày càng được đề cao, củng cố. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP đạt 506,2 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% và tăng đồng đều ở cả 3 khu vực (vốn Nhà nước 171,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; vốn ngoài Nhà nước 301.000 tỷ đồng, tăng 9,1%; vốn FDI 33,7 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 776,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 488,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63% tổng mức và tăng 10,6% so với năm trước. Tổng thu hút 2.943 triệu USD vốn FDI (tăng 62% so cùng kỳ), trong đó đăng ký cấp mới 408 dự án với số vốn đạt 441 triệu USD; 175 dự án bổ sung tăng vốn với 307 triệu USD; 326 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 2.195 triệu USD. Các lĩnh vực nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài chính là xây dựng, bất động sản, chiếm 31%; công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 30%; thương mại, dịch vụ, chiếm 22%; các lĩnh vực khác là 17%.

Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 16,7 tỷ USD, giảm 2,4% so với năm 2022, đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 3,7%; trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 9,6%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 37,7 tỷ USD, giảm 8,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 31,3 tỷ USD, giảm 5,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 6,4 tỷ USD, giảm 17,8%.

CPI bình quân năm 2023 tăng 2,04% so với bình quân năm 2022; thấp hơn khá nhiều mức chung của cả nước (3,2%). Thu ngân sách trên đạt bàn dự kiến đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022; chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên.

Động lực tăng trưởng còn được hỗ trợ bởi sự nỗ lực của Tổ công tác đặc biệt của UBND TP về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn Thủ đô. Các ngân hàng trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện tốt cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 03/2022/TT-NHNN. Lũy kế doanh số giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay thương mại là 45,1 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay gần 15.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 193 tỷ đồng.

Các cơ quan chức năng TP đã triển khai nghiêm túc chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022, đã ban hành 2.615 quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 với tổng số tiền được giảm là 756,61 tỷ đồng; tạo điều kiện cho các DN và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp hơn. Đồng thời thực hiện các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, hỗ trợ DN về kết nối, xúc tiến thương mại, tham gia hội trợ triển lãm, đăng ký thương hiệu sản phẩm và dịch vụ logistics...

Cùng với đó, cải thiện các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính gây phiền hà, làm cản trở các hoạt động bình thường của Nhân dân và DN; nhận diện và khắc phục tình trạng trì trệ, chồng chéo, xử lý nghiêm cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi thực thi công vụ...

Nhờ đó, năm 2023, Hà Nội có tới 31,4 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 6,3% so với năm trước; vốn đăng ký đạt 346,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5%; hơn 8,9 nghìn DN hoạt động trở lại. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2023 cho thấy: có 72,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV ổn định và tốt hơn quý III; 73% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2024 sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2023.

Động lực tăng trưởng được gia tăng bởi thúc đẩy chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 5 địa phương và đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng.

Đồng thời, Hà Nội phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Năm 2023, Hà Nội đã lọt vào danh sách các địa phương đáp ứng nhiều tiêu chí và nhiệm vụ chuyển đổi số và là một trong các tỉnh, TP đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhằm phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính. Dự kiến, đầu năm 2024 sẽ có ít nhất 5 DN nước ngoài sẽ đầu tư trực tiếp vào TP Hà Nội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn...

Chủ động và tự tin bước vào năm 2024

Có thể thấy, Hà Nội đã, đang, sẽ tiếp tục phát huy vị thế Thủ đô, đồng hành và xứng đáng là trung tâm động lực, đầu tàu kinh tế mạnh mẽ, ổn định và tin cậy của cả nước. Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm bản lề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVII Đại hội Đảng bộ TP.

Bởi vậy, phát huy các thành tựu đã đạt được, nhìn thẳng vào những khó khăn thực tiễn, bám sát Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp 14 HĐND TP Hà Nội 6/12/2023, toàn thể hệ thống chính trị và cộng đồng DN, người dân Thủ đô chủ động và tự tin tiếp tục thực hiện năm chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển", thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô.

Đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của kinh tế Thủ đô.

Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS.

Cùng với đó, quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng Thành phố thông minh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tất cả nhằm phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): 6,5 - 7%; GRDP bình quân đầu người: 160,8 - 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện: 10,5 - 11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 4 - 5%; chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo 74,2%. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm 40 xã; số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm 35 xã.