Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố dự báo cho năm 2024 và 2025, với mức tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,8% trước đại dịch Covid-19.
Thách thức của châu Âu
Tại châu Âu, khu vực đồng euro được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng chung là 0,8% trong năm nay, gấp đôi mức tăng trưởng 0,4% của năm 2023 nhưng giảm so với mức 0,9% mà IMF dự báo vào 3 tháng trước.
Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất trong thời gian dài để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất cao làm giảm khả năng vay vốn và đầu tư của DN, kìm hãm sự phục hồi kinh tế. Dù theo IMF, ECB sẽ giảm lãi suất ngay trong năm 2024, chính sách thắt chặt kéo dài vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư.
Thêm vào đó, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục đẩy thị trường năng lượng châu Âu vào tình trạng bất ổn, khiến châu lục này phải gánh chịu những rủi ro từ giá năng lượng cao và gián đoạn nguồn cung. Dù đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, giá năng lượng tăng vọt đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gia tăng chi phí sản xuất đối với DN.
Đức, nền kinh tế số một châu Âu, được dự đoán sẽ không tăng trưởng trong năm nay. Quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái trong các ngành sản xuất quan trọng, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô, một trong những cột trụ của nền kinh tế, đang gặp khó khăn trong bối cảnh thiếu nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng giảm dần. Bên cạnh đó, sự thiếu ổn định của thị trường bất động sản Đức và nhiều nước châu Âu dẫn đến tình trạng suy giảm đầu tư và suy yếu hoạt động xây dựng.
Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định khu vực đồng euro đang chứng kiến tình trạng phục hồi chậm, bị ảnh hưởng bởi cả các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế. Ông nhận xét: “Suy giảm sản xuất và khủng hoảng bất động sản tại Đức là hồi chuông cảnh báo cho toàn khu vực. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ có nguy cơ làm suy yếu đà hồi phục trong thời gian ngắn, làm trầm trọng hơn những thách thức mà nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt”.
Tương tự với nhận định của IMF, các chuyên gia tại ECB cho biết, lãi suất cao đã hạn chế đáng kể khả năng đầu tư và tiêu dùng, đặc biệt tại các quốc gia Nam Âu - nơi DN và hộ gia đình phụ thuộc vào tín dụng lãi suất thấp. Việc gặp nhiều thách thức trong tiếp cận vốn đã làm suy giảm hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong khu vực.
Khó khăn của đầu tàu kinh tế châu Á
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang trên đà suy giảm, từ 5,2% vào năm 2022 xuống còn 4,8% vào năm 2023 và dự báo chỉ đạt 4,5% vào năm 2025. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, bao gồm suy thoái trong thị trường bất động sản, niềm tin tiêu dùng yếu, tình trạng nợ cao trong khu vực tư nhân, và sức ép từ già hóa dân số.
Mặc dù xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao, áp lực từ nhu cầu yếu ở các thị trường trên toàn cầu và căng thẳng thương mại quốc tế đã làm giảm động lực tăng trưởng. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng cao và dòng vốn đầu tư nước ngoài chậm càng làm gia tăng thách thức đối với nền kinh tế. Nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ cũng gặp hạn chế do thiếu dư địa tài khóa và chính sách tiền tệ chưa phát huy được hiệu quả.
IMF cảnh báo nếu khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc không được giải quyết, nó có thể lan rộng đến các quốc gia có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với quốc gia tỷ dân, đặc biệt là Đông Nam Á.
“Tình trạng thiếu ổn định tại thị trường bất động sản Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số hai thế giới” - chuyên gia Pierre-Olivier Gourinchas nhận xét.
IMF cũng nhấn mạnh dân số già hóa và thất nghiệp gia tăng có thể tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng dài hạn của quốc gia tỷ dân.
Tại Ấn Độ, tăng trưởng dự báo sẽ đạt 7% vào năm 2024 nhưng giảm xuống 6,5% vào năm 2025. IMF cho biết, sự giảm tốc độ này phản ánh nhu cầu tiêu dùng suy yếu giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Quốc gia Nam Á này cũng đang đối mặt với một số thách thức lớn, như: giá lương thực và năng lượng tăng cao gây áp lực lên người dân và ảnh hưởng đến sức mua hay tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt ở giới trẻ, vẫn là vấn đề nghiêm trọng.
Ngoài ra, chính phủ nước này gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa hỗ trợ kinh tế và kiểm soát nợ công. Mặc dù quốc gia này đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây, tuy nhiên việc hạ tầng giao thông và năng lượng không theo kịp đã ảnh hưởng đáng kể đến khả năng thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan, như hạn hán và lũ lụt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nông nghiệp - lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Nhật Bản dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,3% trong năm 2023, chủ yếu do khó khăn trong ngành ô tô và suy giảm của du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, IMF dự kiến tăng trưởng sẽ cải thiện mức tăng 1,1% vào năm 2025 nhờ vào các giải pháp kích thích tài khóa và tiền tệ. Dù vậy, quốc gia Đông Á này vẫn đang đối mặt với vô vàn thách thức, như: tình trạng giảm phát kéo dài làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư, dân số già và lực lượng lao động suy giảm góp phần làm chậm tăng trưởng tiền lương và tiêu dùng, việc phụ thuộc vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu khiến Nhật Bản dễ tổn thương trước các biến động thương mại và địa chính trị,…
Mỹ - điểm sáng kinh tế còn nhiều lo ngại
Trái ngược với các nền kinh tế lớn khác, Mỹ vẫn tiếp tục là một trong những động lực chính của nền kinh tế toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng 2,8% vào năm 2023. Tuy nhiên, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ giảm xuống còn 2,2% vào năm 2024 và 2025, khi chính phủ thực hiện các biện pháp thắt chặt ngân sách để kiểm soát kiểm soát nợ công.
IMF cho biết, tăng trưởng của Mỹ chủ yếu được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, khi tiền lương tăng đều đặn và lạm phát đang tiến gần mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, điều này dù có thể giúp ổn định thị trường lao động nhưng cũng làm giảm tốc độ tăng tiền lương như hiện tại.
Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế trưởng IMF, nhận định: “Lạm phát giảm mà không xảy ra suy thoái là một thành công của Mỹ. Tuy nhiên, việc chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ có thể làm giảm động lực tiêu dùng và đầu tư”.
Trước những thách thức kinh tế, IMF nhấn mạnh các quốc gia cần phải điều chỉnh các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm bảo đảm đà tăng trưởng ổn định và đáp ứng cho các hoạt động kinh tế khác nhau. Cơ quan này cũng khuyến nghị các nước cần phải tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết căng thẳng thương mại. Việc đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng cũng như duy trì chuỗi cung ứng ổn định sẽ là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm tăng trưởng bền vững trong tương lai.