Kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một loạt báo cáo vừa được các định chế tài chính lớn của thế giới như Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố trong vài ngày qua cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu không sáng sủa như chúng ta mong đợi.

Trong báo cáo được công bố ngày 16/7, ADB nêu rõ mặc dù cho tới nay, phần lớn các nền kinh tế phát triển đã đạt được mức tăng trưởng như mong đợi, nhưng các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á vẫn chưa đạt mức dự báo đã đề ra trong báo cáo "Triển vọng phát triển châu Á 2013" đưa ra trước đó. Theo ADB, tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á trong cả năm nay và năm tới sẽ giảm từ 7,1% xuống còn 6,7%. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự báo giảm từ 8,2% xuống 7,7% trong năm 2013 và từ 8% xuống 7,5% trong năm 2014. Ngoài ra, ADB cũng hạ mức dự báo tăng trưởng tại Tây Á, Trung Á và Thái Bình Dương trong hai năm tới, trong khi nhận định rằng khu vực Đông Nam Á sẽ vẫn đạt những bước tăng trưởng tuy chậm rãi nhưng chắc chắn. Theo ADB, nguyên nhân chính kìm hãm tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển của khu vực này là do nhu cầu từ các nước công nghiệp chủ chốt sụt giảm đáng kể và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc.

 
 
Kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm - Ảnh 1
 
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và các nước trong nhóm BRICS xuống còn 5%.    Ảnh: AFP
 

Trước đó, hôm 9/7, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới từ mức dự báo đưa ra cách đây 3 tháng là 3,3% và 4% xuống còn 3,1% và 3,8%. Nguyên nhân chủ yếu khiến sức khỏe kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu là do suy thoái gia tăng tại khu vực sử dụng đồng tiền chung Euro, Trung Quốc, Brazil, các nền kinh tế thị trường mới nổi khác và việc Mỹ chuẩn bị ngừng bơm tiền ra thị trường.

IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay và năm tới sẽ giảm từ mức dự báo cách đây 3 tháng là 8,1% và 8,3%, xuống còn 7,8% và 7,7%. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn dẫn đầu tốc độ tăng trưởng trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Ngoài Trung Quốc và Brazil, tăng trưởng kinh tế trong năm nay và năm tới của các nước mới nổi trong nhóm BRICS là Nga, Ấn Độ và Nam Phi cũng giảm với mức độ khác nhau. Đối với nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ, IMF dự báo mức sụt giảm từ 1,9% xuống còn 1,7% năm 2013. Trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã hạ mức dự báo tăng GDP của Mỹ trong năm nay, từ 2,3% - 3,0% xuống 2,3% - 2,8%.

Việc IMF, ADB liên tục hạ mức dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu thời gian qua đã đòi hỏi các nước phát triển và mới nổi phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong điều hành. Nhất là khi Mỹ rút một lượng tiền khổng lồ ra khỏi thị trường, khiến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tại các nước đang phát triển phải thu hẹp sản xuất, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp.