Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi mạnh, tăng trưởng 3,82%

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2022 của TP Hồ Chí Minh ước thực hiện hơn 238.648 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh tăng trưởng 3,82% 

Tại hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của TP Hồ Chí Minh sáng 29/6, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã báo cáo về tình hình kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2022.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP Hồ Chí Minh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, kinh tế TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 3,82% .
Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, kinh tế TP Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 3,82% .

Về một số điểm nhấn cải thiện môi trường đầu tư trong 6 tháng đầu năm, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP Hồ Chí Minh trong tương lai”.

Đây là một sự kiện rất quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, là vấn đề toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi cũng đã tổ chức thành công, TP Hồ Chí Minh đã trao 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư và trao 31 bản ghi nhớ đầu tư vào huyện Hóc Môn, Củ Chi với tổng trị giá khoảng hơn 16 tỷ USD. Các dự án mới sẽ tạo thêm nguồn lực cho đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách, phát triển địa phương.

Tổ chức Hội nghị gặp gỡ với Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài, Hiệp hội Amcham, làm việc với một số các doanh nghiệp nước ngoài lớn đang hoạt động tại TP để nắm bắt nhu cầu hiện tại và xu hướng sắp tới trong hoạt động đầu tư kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 với chủ đề “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập trong tình hình mới”. Đây là một cơ sở tham mưu với Ban chấp hành Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh bình thường mới.

Cũng theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, tính chung 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,46%). Từ mức giảm sâu ở quý III, IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,82%, quý II/2022 ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.

 Khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VNE
 Khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VNE

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 556.488 tỷ đồng

Cụ thể tốc độ tăng trưởng của từng khu vực 6 tháng đầu năm 2022: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,77% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 0,48%); Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,23% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,58%), trong đó, ngành công nghiệp khẳng định vai trò trụ cột cho nền kinh tế với mức tăng 4,04% so với cùng kỳ; Khu vực thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất 4,83% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,86%) chứng tỏ dấu hiệu hồi phục sau đại dịch Covid-19; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,08%).

Có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6% so với cùng kỳ: Vận tải, kho bãi tăng 7,51% so với cùng kỳ; Thông tin truyền thông tăng 8,18% so với cùng kỳ; Tài chính, ngân hàng tăng 9,91% so với cùng kỳ; Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46% so với cùng kỳ; Y tế tăng 6,85% so với cùng kỳ. Có 1 ngành giảm là hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 5,82%. Có 3/9 ngành có mức tăng trưởng dưới 6%: Bán buôn, bán lẻ tăng 3,10% so với cùng kỳ; Dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,08% so với cùng kỳ; Giáo dục và đào tạo tăng 4,99% so với cùng kỳ.

Về lĩnh vực dịch vụ bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ được khôi phục. Các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh ăn uống… đã mở cửa trở lại toàn hệ thống. Các cơ sở kinh doanh triển khai song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,3%).

TP Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai các chương trình “Bình ổn thị trường năm 2021”, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối của TP Hồ Chí Minh với nguồn hàng tại các địa phương, khôi phục hoạt động các chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, ổn định thị trường.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP Hồ Chí Minh duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Về xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm qua cửa khẩu cả nước ước đạt 24,9 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,1%). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 4,2% so với cùng kỳ; Giày dép các loại tăng 8,6% so với cùng kỳ; Dệt, may tăng 30,3% so với cùng kỳ; Máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 18,6% so với cùng kỳ; Hàng thủy sản tăng 74% so với cùng kỳ; Rau quả tăng 57,1% so với cùng kỳ.

Đối với nhập khẩu, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 34,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 26%).

Gần nửa triệu khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh

Trên lĩnh vực du lịch, tổng doanh thu trong tháng 6 đạt 10.172 tỷ đồng, tăng 233% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 2,11 triệu lượt, tăng 276,9% so với cùng kỳ; Khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 215.892 lượt. Tính chung 6 tháng, tổng doanh thu ước đạt 49.681 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 11,08 triệu lượt, tăng 43,1% so với cùng kỳ; Khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 477.982 lượt.

Về dịch vụ vận tải, 6 tháng đầu năm 2022 khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 146,8 triệu lượt hành khách, giảm 3,7% so với cùng kỳ và đạt 36,5% so với kế hoạch năm 2022 (kế hoạch năm 2022 là 402 triệu lượt hành khách). Số lượt vận tải hành khách bằng đường thủy ước đạt 14,78 triệu lượt, tăng 2,34% so với cùng kỳ. Số hành khách đi và đến TP Hồ Chí Minh bằng đường sắt ước đạt 330.997 lượt (tăng 4,6% so với cùng kỳ).

Số hành khách đi và đến tại sân bay Tân Sơn Nhất ước đạt 13.557.348 lượt (tăng 36,7% so với cùng kỳ). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển ước đạt 83,19 triệu tấn; giảm 5,62% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 88,15 triệu tấn). Sản lượng hàng hóa thông qua đường thủy nội địa ước đạt 35,07 triệu tấn; giảm 11,05% so với cùng kỳ (cùng kỳ là 39,42 triệu tấn).

 

Thu Ngân sách Nhà nước hơn 238.648 tỷ đồng

Theo Giám đốc Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh Phạm Thị Hồng Hà, tổng thu Ngân sách Nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) ước thực hiện 238.648,063 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm, tăng 17,49% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) ước thực hiện hơn 25.111 tỷ đồng, đạt 25,19% dự toán, giảm 37,68% so với cùng kỳ.