Cơ hội lớn, thách thức nhiều
Sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang là động lực lớn thúc đẩy thương mại song phương. EU hiện đang là một trong các thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng ngày càng lớn. Ông Đỗ Hữu Hưng (Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ Bộ Công Thương) khẳng định, EVFTA là đòn bẩy rất là tích cực đối với cả các lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU. Sau 4 năm Hiệp định có hiệu lực, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU từ gần 49 tỉ USD, đã tăng lên gần 64 tỉ USD.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, gần đây EU liên tục có các chính sách, quy định mới nghiêm ngặt liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong đó có Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP) trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh châu Âu hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050.
CEAP sẽ có tác động đến bảy nhóm lĩnh vực xuất khẩu chính, trong đó có thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin và nhóm bao bì, nhóm nhựa, dệt may, da giày sẽ bị ảnh hưởng. Đây là những quy định rất phức tạp, ngay cả bản thân cơ quan quản lý có nghiên cứu cũng thấy như vậy. Tuy nhiên hiện giờ phía EU cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Sau 4 năm hiệp định EVFTA được thực thi, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp tăng gấp đôi, từ 20 triệu USD lên khoảng 40 triệu USD.
Thách thức chuyển đổi
Theo ông Hưng, kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh vừa là thách thức và đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển, hội nhập với thế giới và đáp ứng các yêu cầu của thị trường hiện nay. Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sau so với tất cả các nền kinh tế thị trường khác cho nên việc đi sau cũng rất tốt cho doanh nghiệp. Các quy định buộc doanh nghiệp lập tức phải chuyển đổi, nếu không đáp ứng được thì không thể vào được thị trường.
Đơn cử, tại Công ty May Hưng Yên đã chuyển đổi tất cả các lò hơi nước đốt than ngày trước sang dùng lò hơi điện. Việc này giúp tránh, giảm được ô nhiễm, và tăng cường được sức khỏe. Về khía cạnh kinh tế, tất nhiên tiền điện có thể tăng nhưng giảm được các chi phí về nhân công phục vụ cho cả hệ thống những lò hơi nước đó.
Ở khía cạnh kinh tế, dù phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới, doanh nghiệp vẫn có lợi. Nếu tính cả hệ thống 13 đơn vị thuộc doanh nghiệp, đây sẽ là con số đáng kể. Trước đây doanh nghiệp đã làm những hoạt động về phát triển bền vững, sản xuất xanh. Đơn cử, tất cả những vải vụn thì có những tổ hợp người ta thu mua đem về, may lại để sản xuất ra chăn gửi bán cho các vùng cao, hoặc là may lại thành những sản phẩm mà có thể dùng được ở các vùng khác. Đấy là điều doanh nghiệp cũng đã làm được và tới đây sẽ tiếp tục làm. Hoặc là việc xử lý những vải vụn sản xuất thành mút dùng trong ngành may…
"Kinh tế tuần hoàn cũng là vấn đề thúc ép cho doanh nghiệp sẽ làm những điều đó và đạt hiệu quả kinh tế hơn, giúp doanh nghiệp phát triển, để có thể hội nhập với tất cả trên thế giới và đáp ứng các yêu cầu của thị trường hiện nay. Về chuyển đổi số doanh nghiệp cũng đã làm, tiếp tục bán hàng theo truyền thống, giờ bán hàng trực tuyến, có thể chào hàng qua mạng tới các nhà mua hàng” - ông Nguyễn Xuân Dương, đại diện DN này cho hay.
Ngoài ra, ngành dệt may đang phải đối mặt với vấn đề về xuất xứ. Nếu như không đạt được yêu cầu về xuất xứ không thể thực hiện vào EU theo EVFTA và hưởng lợi về thuế quan. Trong thời gian qua, các nguồn nguyên liệu nhập khẩu hầu hết từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và một số nước khác không thuộc EVFTA. Đây chính là một thách thức rất lớn.
TS Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) nêu qua điểm, khi đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, doanh nghiệp đôi khi phải thay đổi cả công nghệ, quy trình sản xuất, đầu tư thêm rất nhiều trang thiết bị hiện đại, chi phí tốn kém cho quy trình sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đấy là khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt chưa quen với cách tư duy để quy trình sản xuất được thiết kế bài bản, chi tiết cụ thể, từ khâu đầu cho đến khâu cuối.
Song, theo TS Mai Thanh Dung, các quy định mới khắt khe hơn cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp tự soi mình thời gian qua và để định hướng cho sự phát triển trong tương lai. Doanh nghiệp nào làm được tốt những quy trình, hoặc những giải pháp kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp đấy sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn do tiết kiệm được nguyên liệu đầu vào, tiết kiệm được năng lượng, kéo dài được vòng đời sản phẩm, giảm thiểu được chất thải… Đấy là những hiệu quả chính cho doanh nghiệp và sau đó cho xã hội, bớt đi gánh nặng về xử lý những vấn đề môi trường cho trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Để đáp ứng được những quy định mới, theo ông Đỗ Hữu Hưng, các doanh nghiệp sẽ phải đầu tư sản xuất, chuyển đổi số, thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý. Đây sẽ là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực dệt may, da giày... Tuy nhiên, những quy định này cũng tạo ra những cơ hội nhất định khi doanh nghiệp sẽ có những tệp khách hàng mới. Bên cạnh đó, mặc dù chi phí đầu tư sản xuất đáp ứng được những tiêu chuẩn EU ban đầu có thể cao, nhưng khi các doanh nghiệp đã có được chiến lược đầu tư bài bản, sẽ thu được những hiệu suất kinh doanh tốt hơn và cũng sẽ giảm được chi phí về lâu dài.
Đối với doanh nghiệp dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương mong muốn có các khu công nghiệp lớn Nhà nước đầu tư khâu xử lý nước thải để thu hút nhà đầu tư sản xuất, tận dụng ưu đãi của EVFTA và đáp ứng tiêu chuẩn xanh của thị trường; Cần hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ngoài ra, nếu xuất khẩu được vào châu Âu, đáp ứng được chứng nhận xuất xứ, không có con đường nào khác là phải có một nguồn nguyên liệu tại chỗ.