Thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn” (KTTH) đã không còn xa lạ với các quốc gia phát triển, nhất là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tại Nhật Bản từ những năm 1960 đã ban hành Đạo luật xử lý chất thải và Làm sạch công cộng, cho đến nay quốc gia này đã có 9 đạo luật liên quan đến vấn đề chuyển dịch sang KTTH.
Hiện Nhật Bản đã bước qua các giai đoạn nâng cao sức khỏe cộng đồng, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống, hình thành xã hội 3R và đang tiến hành giai đoạn KTTH. Vì thế những kinh nghiệm của Nhật Bản khi xây dựng KTTH được các nhà soạn thảo luật, chuyên gia môi trường, giới truyền thông Việt Nam quan tâm và đặt ra rất nhiều câu hỏi cho những chuyên gia JICA.
Kinh tế tuần hoàn là gì?
KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường (Điều 142 Luật Bảo vệ Môi trường 2020).
Đến nay Việt Nam mới xây dựng Đề án phát triển KTTH nhưng hệ thống văn bản, nghị quyết về vấn đề này đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13; Nghị quyết của TW về định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Luật Bảo vệ môi trường (2020); Nghị định số 08/2022 ban hành tháng 1/2022 về quy định chi tiết một số điều của luật Bảo vệ môi trường 2022 (các quy định về KTTH, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và quản lý chất thải); Thông tư số 02/2022 ban hành tháng 1/2022 về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2022 (quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất).
Ngoài ra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã xây dựng Đề án tăng cường quản lý chất thải nhựa (Quyết định số 1316/QD-TTg); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình hành động quốc gia về tiêu dùng và sản xuất bền vững của Việt Nam (2021 - 2030); Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao thải ra từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón để sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng cho các công trình xây dựng.
Ông Ichiro Adachi - Cố vấn quản lý môi trường của JICA tại Bộ TN&MT khẳng định: “Dù xuất phát chậm hơn một số nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng Chính phủ Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của KTTH và quyết tâm nhanh chóng chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang KTTH”.
Xu thế tất yếu
Đầu tháng 1/2022, JICA đã cử chuyên gia Tomoyuki Hosomo làm trưởng dự án đến Hà Nội thực hiện “Khảo sát về KTTH tại Việt Nam”. Sau 6 tháng, chuyên gia của JICA đã phối hợp thu thập thông tin, phân tích cấu trúc, cơ sở pháp lý về về KTTH tại Việt Nam để đưa ra các kế hoạch hành động và đề xuất cấu trúc cho kế hoạch hành động quốc gia về KTTH.
Đến nay, Nhật Bản đã xây dựng thành công KTTH, trong đó đã xây dựng được các đạo luật về tái chế thực phẩm, tái chế vật liệu xây dựng, tái chế phương tiện và tái chế thiết bị gia dụng. Đến tầm nhìn KTTH 2020 thì người Nhật đã chuyển đổi sang nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn hơn (cung cấp các khoản đầu tư, cho vay, trợ cấp); Đánh giá thích hợp từ thị trường, xã hội (xây dựng chỉ số đánh giá, tạo ra ngành công nghiệp mới và thị trường); Thiết lập sớm hệ thống tuần hoàn tài nguyên có khả năng phục hồi.
Như vậy có thể khẳng định kinh nghiệm của Nhật Bản khi phát triển KTTH rất cần cho Việt Nam. Tại hội thảo, các chuyên gia JICA cho rằng, đến nay, Nhật Bản đã hình thành loại hình kinh doanh tái chế trong nước, phát triển công nghệ KTTH trở thành các trung tâm cho châu Á, tái cấu trúc tuần hoàn tài nguyên quốc tế, và đưa ra sáng kiến cho các lĩnh vực cần ưu tiên như: Nhựa, dệt may, polyme sợi carbon, pin, tấm quang năng. Ngay như lĩnh vực quang năng, mỗi năm Nhật Bản phải xử lý 170 - 280 ngàn tấm quang năng, bằng 1,7 - 2,7% tổng năng lượng thải bỏ quốc gia. Đây là những lĩnh vực mà chắc chắn Việt Nam cũng phải đối diện khi phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Như vậy trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam phải đồng thời giải quyết các từ khóa: Tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, chất thải và tái chế. Sự hỗ trợ của tổ chức JICA là cần thiết và kịp thời.
Lộ trình của Việt Nam
Tổ chức JICA là đơn vị đang làm nhiệm vụ tư vấn cho Việt Nam xây dựng Dự thảo khung kế hoạch hành động quốc gia về KTTH giai đoạn (2025-2035). Ông Koki Takano - Phó Trưởng Dự án cho biết: “Sau Diễn đàn KTTH lần thứ nhất diễn ra ngày 28/6 vừa qua, JICA đang tổ chức các hội thảo để nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp. Dự kiến 2023 sẽ ban hành được Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH và bắt đầu triển khai dự án tại Việt Nam trong vòng 10 năm, kể từ 2025”.
Để xây dựng được khung Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH của Việt Nam, các chuyên gia của JICA nhất quán với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam; Lồng ghép với các xu hướng và chương trình nghị sự toàn cầu; Tiếp thu bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác; Tính khả thi và khả năng thực hiện KTTH. Đây là 4 bước đi bắt buộc của các quốc gia khi tiếp cận KTTH, chắc chắn Việt Nam không phải là ngoại lệ.
TS Lai Văn Mạnh - Trưởng ban Kinh tế tài nguyên và Môi trường của JSPONR cho rằng: “Để chuyển dịch sang nền KTTH cần phải tính toán kỹ năng lực quản lý, tài chính của Chính phủ, lựa chọn đối tượng, địa điểm và lộ trình triển khai cũng như phân công trách nhiệm, vai trò của bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai”. Việc lựa chọn lĩnh vực ưu tiên triển khai KTTH của Việt Nam gồm: Dịch vụ (46% GDP), Công nghiệp (34% GDP), Nông - Lâm - Thủy sản (16% GDP) đã là một vấn đề lớn cần cân nhắc.