TS Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tại COP26, 147 quốc gia đã cam kết đạt “phát thải ròng bằng 0” (PTRO) vào giữa thế kỷ XXI và tính đến hết năm 2022 đã có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn đến giữa thế kỷ XXI. Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh là chủ trương lớn và nhất quản của Đảng và Nhà nước ta từ nhiều năm nay.
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với năng lực chống chịu biến đổi khí hậu và PTRO, Việt Nam cần huy động được nguồn lực tài chính rất lớn. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (2022) cho thấy, Việt Nam cần khoản đầu tư khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỷ USD cho đến năm 2040 để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh bao trùm gắn với chống biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực của kính tế xanh.
Theo đánh giá, đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần gồm: thị trường tín dụng xanh; thị trường cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh. Mặc dù vậy, hệ thống pháp luật về tài chính xanh của Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Các quy định cụ thể về triển khai, vận hành thị trường vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa được ban hành, điển hình như chính sách đối với trái phiếu xanh mới vẫn đang ở mức thử nghiệm.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong giai đoạn 2019 - 2023, Việt Nam đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh. TS. Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tín dụng xanh mới chiếm khoảng 4,4% tổng dự nợ toàn nền kinh tế; con số 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh phát hành trong 5 năm qua vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh...
Gợi ý hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh và tài chính xanh cho Việt Nam, TS. Nguyễn Bá Hùng cho rằng, Việt Nam cần xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế và tạo động lực phát triển tài chính xanh. Cùng với đó, chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh.
Theo Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng Phạm Thị Hoàng Anh, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh. Đa dạng hóa các nguồn vốn cho tín dụng xanh tại Việt Nam, xem xét ưu tiên nguồn vốn cho tín dụng xanh, tín dụng cho phát triển bền vững thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ. Trong thiết kế chính sách thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh cần đa dạng hóa các hình thức khuyến khích tín dụng xanh, không phụ thuộc vào phương thức hỗ trợ tài chính (giảm lãi suất, gia hạn vay...). Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khác: phát triển trái phiếu xanh; giáo dục và tuyên truyền nâng cao nhận thức; thay đổi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài FDI; thúc đẩy việc sử dụng báo cáo bền vững.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam - TS Nguyễn Bá Hùng chia sẻ, qua quá trình theo dõi phát triển thị trường tài chính xanh, ADB thấy rằng, trong việc triển khai tín dụng xanh, thách thức hiện hữu nhất là rào cản về lượng vốn lớn, thời gian đầu tư lâu dài, hiệu quả tài chính chưa cao, các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro... dẫn đến khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quy trình lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát hoạt động tín dụng xanh.