Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kinh tế và an ninh: Vấn đề thách thức toàn cầu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với chủ đề "Bạn bè vì hòa bình, Đối tác vì thịnh vượng," ASEM 9 sẽ tập trung vào những tranh luận kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang chao đảo, bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế xảy ra 4 năm trước.

Kinh tế và an ninh: Vấn đề thách thức toàn cầu - Ảnh 1

(Nguồn: laoembassyhanoi.org.vn)

Theo Tân Hoa xã, Hội nghị Cấp cao á-Âu lần thứ 9 (ASEM 9) khai mạc ngày 5/11 tại thủ đô Vientiane của Lào sẽ thảo luận một loạt các thách thức toàn cầu mà nổi bật là những vấn đề kinh tế và an ninh.

Hội nghị ASEM lần trước tổ chức tại Brussels (Bỉ) năm 2010 cũng đã chủ yếu thảo luận những vấn đề kinh tế ví dụ như cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và sự hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế châu á.

Trong báo cáo năm 2012 của mình, IMF nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày càng trầm trọng bất chấp các hành động chính sách nhằm giải quyết nó."

Từ phía Liên minh châu Âu (EU), đang có những quan ngại về phản ứng của châu á, đặc biệt từ Trung Quốc, cũng như cách thức hợp tác để có thể giúp giải quyết vấn đề. Tháng 10 vừa qua, tại một hội nghị ở Bangkok (Thái Lan), các quan chức tài chính cấp cao từ châu á và châu Âu đã nhấn trí rằng các nền kinh tế châu á sẽ khó gạt bỏ được những rắc rối kinh tế của phương Tây bởi châu á và châu Âu đang liên kết chặt chẽ trong thương mại và đầu tư quốc tế.

Trước thềm ASEM 9, Phó Thủ tướng Thái Lan kiêm Bộ trưởng Tài chính nước này Kittiratt Na-Ranong nhận xét: "Với những khó khăn kinh tế tiếp diễn ở một số quốc gia Eurozone, tôi cho rằng sự hợp tác á-Âu đang mang ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết."

Tiến sỹ Thẩm Tư Hối (Shen Xuhui), Phó Giáo sư khoa Khoa học xã hội của trường Đại học Trung văn (Hong Kong, Trung Quốc), đánh giá cho dù các nước ASEM có thể cùng đối phó với cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, vẫn cần một khuôn khổ thể chế nhất định được thiết lập dần dần trong cơ cấu hiện nay: "Hiện tại, vẫn đang thiếu dạng hợp tác thể chế giữa hai châu lục. Nếu một bên nảy sinh khủng hoảng, bên đó có thể đề nghị hỗ trợ từ một thể chế đối tác. Điều đó có thể làm thay đổi bối cảnh chính trị hiện nay trên vũ đài toàn cầu."

Nhấn mạnh cần thúc đẩy hơn nữa sự can dự giữa phương Đông và phương Tây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đề nghị củng cố hợp tác giữa các thành viên ASEM.

ASEM 9 cũng sẽ thảo luận những vấn đề cùng được quan tâm như lương thực và an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu và định hướng tương lai của ASEM, một nền tảng cho đối thoại giữa hai châu lục được phát động từ năm 1996.

Trên khía cạnh song phương, căng thẳng Trung-Nhật liên quan tới tranh chấp chủ quyền một quần đảo trên Biển Hoa Đông cũng là chủ đề được dư luận lưu tâm bởi mâu thuẫn này đã bắt đầu tác động tiêu cực đến các quan hệ kinh tế song phương, gây lo ngại sự va chạm giữa hai nền kinh tế lớn của châu á có thể gây hại cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như bất ổn an ninh cho toàn khu vực.

Tiến sỹ Thẩm Tư Hối nhận xét: "Châu Âu có thể xem là bên thứ ba, đem lại sự giúp đỡ cũng như quan điểm bổ sung để làm trung gian. Chức năng này có thể đóng vai trò như một cầu nối giữa các bên"./.