Với một nước có truyền thống văn hóa tiểu nông như Việt Nam thì kinh tế vỉa hè càng phát triển hơn. Chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, khu vực chính thức chưa thu hút hết được lực lượng lao động. Những người không cạnh tranh được trên thị trường lao động sẽ tìm đến kinh tế vỉa hè.
TS Nguyễn Văn Đáng - giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Sự tồn tại dai dẳng của kinh tế vỉa hè cũng không phải do chủ đích của những người chiếm dụng không gian công cộng để tìm kiếm lợi ích mà ngay cả người dân đô thị chưa bỏ thói quen mua sắm từ kinh tế vỉa hè như thói quen tiện lợi, chỉ cần dừng xe bên đường là có thể mua hàng, không ra trung tâm mua sắm hay siêu thị như các nước. Vì vậy, sự tồn tại của kinh tế vỉa hè ở đây có sự kết hợp của hai chiều.
Khi nhìn vào kinh tế vỉa hè, TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế nhìn thấy chiều dài phát triển của quốc gia, của đô thị và gắn với khái niệm văn hóa bao gồm tất cả hoạt động của con người và gắn với hai từ: nhân văn, tử tế. Giá trị của kinh tế vỉa hè không đơn thuần là hàng rong bán hàng trên phố mà rộng hơn góp phần tạo công ăn việc làm, kinh doanh, thuế…
Theo ước tính của một số TP lớn trên thế giới, kinh tế vỉa hè nói theo nghĩa đầy đủ đóng góp tỷ lệ không nhỏ cho nền kinh tế. Đặc biệt, kinh tế đêm gắn với không gian công cộng được sử dụng vào đêm như chợ, vui chơi giải trí... Nước ta hiện nay chú trọng phát triển kinh tế đêm và một số TP lớn đã có kế hoạch triển khai kinh tế đêm để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Trước thực tế trên, TS Nguyễn Văn Đáng không đồng tình với cả hai quan điểm hiện nay đang gây tranh cãi. Đó là phải làm mạnh để dẹp hẳn kinh tế vỉa hè hay cứ để kinh tế vỉa hè tồn tại tạm bợ, là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị.
Về quan điểm chính sách cần tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt hơn. Tại các nước phát triển, kinh tế vỉa hè vẫn tồn tại nhưng được quản lý, không là vật cản gây ùn tắc giao thông.
Vấn đề là quản lý và thực hiện từng bước, TP Hồ Chí Minh đã có thời gian quyết liệt xử lý hàng rong vỉa hè nhưng không thành công và không thể thành công vì gắn với nhu cầu xã hội. Ngược lại, để kinh tế vỉa hè phát triển tự do cũng không ổn khi mà chỗ nào cũng có thể họp chợ.
Về giải pháp, các TP lớn nên công bố các tuyến phố không được lấn chiếm vỉa hè kinh doanh như các tuyến phố nằm ở khu vực trung tâm TP. Với khu phố ở ngoại vi, không quá ảnh hưởng đến sự vận hành cấu trúc đô thị có thể linh hoạt chấp nhận cho kinh doanh buôn bán trên vỉa hè theo từng khu, từng khung giờ vừa bảo vệ nguồn sống của một số nhóm người yếu thế vừa hạn chế bất cập, tồn tại, đưa kinh tế vỉa hè phát triển bài bản, quy củ và văn minh hơn. Đây là cách các nước tiên tiến đã thực hiện thành công.
Thạc sĩ, KTS Lê Nguyễn Hương Giang đồng tình với quan điểm cho rằng, việc quy hoạch phát triển kinh tế vỉa hè, ngoài yếu tố văn hóa, đây là nơi lưu thông hàng hóa, nông sản địa phương, thậm chí có những mặt hàng không mua được ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích mà có ở các cửa hàng, hàng rong vỉa hè.
Với những lý do trên, các diễn giả tại talkshow thống nhất quan điểm cho rằng, trong tương lai gần, kinh tế vỉa hè sẽ vẫn hiện diện. Đây là một trong nơi được người dân bản địa dành thời gian để tận hưởng cảm giác thú vị, thư giãn và thu hút khách du lịch trong, ngoài nước trải nghiệm dịch vụ, văn hóa, ẩm thực đặc trưng vùng miền.