KTĐT - Dù diễn ra theo kịch bản nào, mức tăng lạm phát của kinh tế Việt Nam năm 2012 vẫn duy trì ở một con số. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 với chủ đề "Trước thách thức tái cơ cấu kinh tế" của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Quốc gia Hà Nội công bố sáng 24/5 cũng dự báo mức tăng trưởng năm nay khá thấp.
Ở kịch bản 1, VEPR dự báo tăng trưởng sẽ ở mức 4,42%, trong khi lạm phát năm 2012 ở mức khá thấp 4,57%. Kịch bản 2 lạc quan hơn, mức lạm phát dự báo là 6,18% và mức tăng trưởng GDP sẽ dừng lại ở 5,1%. Tuy nhiên, các kịch bản này cũng đồng thuận với một số phân tích lo ngại gần đây của Chính phủ về suy giảm kinh tế, tăng trưởng khó đạt 6 - 6,5%. Trước đó, trong dự báo mới nhất mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, kịch bản tăng trưởng và lạm phát Việt Nam 2012 có vẻ lạc quan hơn, khi WB cho rằng, năm 2012 lạm phát của Việt Nam sẽ dưới ngưỡng 10% và tăng trưởng dừng ở mức 5,7%.
Lý giải về những dự báo của mình, VEPR cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn những vấn đề tồn tại căn bản như bất ổn vĩ mô dai dẳng; mô hình tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả đã làm suy giảm năng suất và hiệu quả chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính và các thị trường tài sản suy giảm. Chính sách phát triển ngành không rõ ràng, cộng với việc quản lý giám sát không hiệu quả đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước dẫn tới hệ lụy rủi ro cao cho nền kinh tế. TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, chủ biên của Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2012 cho rằng, các con số lạm phát 4 tháng đầu năm cho thấy, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu của sự giảm phát. Dù một loạt những chính sách tài khóa và tiền tệ được Chính phủ đưa ra như miễn, giãn, giảm thuế, giảm lãi suất để khối doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn hơn… nhưng những "lỗ hổng" của kinh tế vĩ mô sẽ chỉ giải quyết được nếu giải quyết triệt để quá trình tái cơ cấu, trọng tâm là 3 lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Báo cáo khuyến nghị, Việt Nam cần xem xét nghiêm túc mô hình kinh tế vừa qua và định hướng hiện nay. Nếu chúng ta không nhận thức một cách dứt khoát, rõ ràng về mô hình mới cho phát triển kinh tế, cùng những thể chế hỗ trợ phù hợp thì cải cách sẽ không có mục tiêu thực sự. Việt Nam sẽ khó vượt qua những thách thức mà quá trình tái cơ cấu hiện nay đang đặt ra./